Dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ Trung - Triều

Thứ hai, 18/09/2017, 09:50
Trước đây, khi chuẩn bị tiến hành một vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân, Triều Tiên sẽ cử một phái đoàn sang Trung Quốc hoặc ít nhất cũng thông báo trước cho quốc gia láng giềng thông qua các kênh khác nhau. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không làm những điều này trong vài tháng qua.

Hải quan Trung Quốc kiểm tra các xe tải chở hàng qua khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP)

Theo CBC News, giới quan sát cho biết trong vài tháng gần đây, Triều Tiên đã không cử các phái đoàn sang Trung Quốc hoặc thông báo trước cho Bắc Kinh thông qua các kênh khác nhau trước khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa.

Trong vụ thử tên lửa gần đây nhất bay qua lãnh thổ Nhật Bản hôm 15/9, Triều Tiên đã không đưa ra bất kỳ thông báo nào trước cho Trung Quốc. Trước đó, khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, cũng là vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên khiến khu vực phía Đông Bắc Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi rung chấn động đất, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không thông báo cho quốc gia láng giềng. Điều này làm dấy lên tâm lý giận dữ và bất an tại Trung Quốc.

“Rất nhiều người Trung Quốc hiện xem Triều Tiên như một “món nợ”. Và Triều Tiên dường như không mảy may đến việc khiến Bắc Kinh khó chịu. Mối quan hệ này đang xuống thấp nhất từ trước đến nay”, Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết.

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc, hai đồng minh truyền thống và hai đối tác thương mại, đã chuyển từ trạng thái gần gũi đặc biệt sang căng thẳng.

Tuần trước, Trung Quốc đã nhất trí bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Đây cũng được đánh giá là nghị quyết mạnh tay nhất của cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng từ trước đến nay.

Các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc gần đây cũng thông báo sẽ ngừng các giao dịch mới với các công dân và công ty Triều Tiên như một biện pháp trừng phạt theo lời kêu gọi của Mỹ. Một số ngân hàng cho biết đang bắt đầu xóa sổ các tài khoản hiện thời của Triều Tiên.

Tâm lý lo ngại của Trung Quốc

Triều Tiên phóng tên lửa ngày 15/9 nhưng không thông báo trước cho Trung Quốc như trước đây (Ảnh: Reuters)

Theo nhận định của chuyên gia Cheng Xiaohe, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế thuộc Đại học Renmin, Trung Quốc đã bắt đầu có sự thay đổi trong quan hệ với Triều Tiên.

“Trung Quốc có thể áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn về dầu khí với Triều Tiên. Kịch bản này ngày càng có khả năng xảy ra khi Triều Tiên không chấm dứt các tuyên bố khiêu khích của nước này”, chuyên gia Cheng nói.

Một số chuyên gia cho rằng quan hệ Trung - Triều có dấu hiệu xấu đi không chỉ xuất phát từ sự thất vọng, mà còn liên quan tới tâm lý lo sợ của Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng cho thấy sự tiến bộ về chương trình hạt nhân cũng như tên lửa của nước này.

“Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về nguy cơ có thêm một đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân ngay sát sườn”, chuyên gia Zhao Tong nhận định.

“Khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Triều Tiên, Triều Tiên cũng sẽ bắt đầu đe dọa Trung Quốc. Các yếu tố dẫn tới sự thù địch trong quan hệ song phương đang ngày càng lớn dần lên”, chuyên gia Zhao Tong cho biết thêm.

Chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận nhằm chuẩn bị khả năng sẵn sàng tác chiến trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng, đây là một động thái hoàn toàn mới của Trung Quốc và đã nói lên một phần tâm lý quan ngại của Bắc Kinh hiện nay.

Trung Quốc từng tuyên bố, việc giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay chỉ có thể phụ thuộc vào việc 2 “nhân vật” trung tâm là Mỹ và Triều Tiên có chịu ngồi xuống và tìm ra giải pháp hay không.

Bắc Kinh nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp là cách tiếp cận khả thi duy nhất. Theo đó, Triều Tiên cần đồng ý dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi, còn Mỹ và Hàn Quốc cũng phải nhất trí dừng các cuộc tập trận quân sự chung. Tuy nhiên, cho đến nay, các bên đều không lựa chọn cả 2 phương án này.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn