|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản hôm 15/9, vài ngày sau khi Hội đồng bảo an thông qua lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters) |
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 đã thông qua các lệnh trừng phạt mới cứng rắn hơn với Triều Tiên sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này thời gian gần đây.
Các lệnh trừng phạt này được cho là nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa gây tranh cãi.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chính trị của Nga Andrei Manoylo nhận định với hãng tin Sputnik rằng, Triều Tiên có thể dễ dàng gánh chịu được những lệnh trừng phạt mới này.
“Các lệnh trừng phạt thực sự không hiệu quả, đặc biệt với Triều Tiên, bởi họ vốn tự cung, tự cấp. Mỹ đề xuất hạn chế nguồn cung dầu cho Triều Tiên, tuy nhiên, Triều Tiên vẫn có thể nhập khẩu dầu thô qua các kênh khác nhau… Hơn nữa, năm nay Triều Tiên đã tìm cách tăng trưởng kinh tế vượt Hàn Quốc, nên Triều Tiên có thể dễ dàng đối phó với các lệnh trừng phạt mới”, ông Manoylo nói.
Chuyên gia này chỉ ra, việc tăng cường sức ép với Bình Nhưỡng có thể gây tác dụng ngược.
“Nếu bị dồn vào đường cùng, Triều Tiên có thể bắt đầu bán công nghệ tên lửa. Điều đó nguy hiểm hơn nhiều so với các vụ thử tên lửa. Một quốc gia bị dồn vào đường cùng sẽ trở nên khó lường”, ông Manoylo cảnh báo.
Ông cho rằng: “Chúng ta cần một giải pháp khác, nên thể hiện cho Triều Tiên thấy những cơ hội hợp tác, nên khuyến khích họ gia nhập các tổ chức quốc tế để họ nhận thức về các nghĩa vụ quốc tế. Bởi không có mối quan hệ, không nghĩa vụ ràng buộc, Triều Tiên có thể hoàn toàn lựa chọn tự do”.
Kể từ năm 2006, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua 9 nghị quyết trừng phạt với Triều Tiên. Song bất chấp các lệnh trừng phạt này, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo, Triều Tiên "thà ăn cỏ, chứ không từ bỏ chương trình hạt nhân". (Ảnh minh họa: TASS) |
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/9 cũng cho rằng, vấn đề trên bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết chỉ bằng các lệnh trừng phạt và gây sức ép. Theo ông, đối thoại là cách duy nhất và là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay.
“Rõ ràng, không thể giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên chỉ bằng các lệnh trừng phạt và gây sức ép. Không nên cảm tính và dồn Triều Tiên vào đường cùng. Nếu không có các công cụ ngoại giao và chính trị, sẽ không thể tìm được giải pháp cho tình hình hiện tại”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo, một cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên, nếu xảy ra, sẽ kéo theo “thảm họa toàn cầu”.
Theo Dân Trí