Hãng tin PTI cho biết Washington tuyên bố hành lang kinh tế nói trên đã đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp. Mỹ còn nhấn mạnh không một quốc gia nào có thể "đặt mình vào vị trí chỉ đạo" đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường", ám chỉ Trung Quốc.
Hồi tháng 5 năm nay, Ấn Độ không tham dự Diễn đàn "Vành đai và Con đường" (BRF) tại Bắc Kinh do nỗi lo chủ quyền bị xâm phạm bởi dự án CPEC trị giá 60 tỉ USD, đóng vai trò nổi bật trong sáng kiến "Vành đai và Con đường". CPEC cũng đi qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (trái) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tuần trước. |
Trở về từ chuyến đi tới Ấn Độ hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết: "Trong một thế giới toàn cầu hóa, có rất nhiều vành đai và con đường. Không một quốc gia nào có thể đặt mình vào vị trí chỉ đạo ‘một vành đai, một con đường’" - ông Mattis nói với các thành viên của Uỷ ban Quân vụ Thượng viện trong một phiên điều trần trước quốc hội.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp và tôi nghĩ rằng bản thân nó cho thấy khả năng dễ gây tổn thương khi cố gắng thiết lập sự chỉ đạo đó" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm, dường như đề cập tới quan điểm của Ấn Độ về CPEC.
Trước đó, tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Charles Peters hỏi ông Mattis về sáng kiến trên và chính sách của Trung Quốc liên quan đến vấn đề này: "Chiến lược Vành đai và Con đường nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các lợi ích ở lục địa và biển, với hy vọng thống trị lục địa Á - Âu và khai thác các nguồn tài nguyên ở đó. Điều này chắc chắn đi ngược lại với chính sách của Mỹ. Vậy vai trò của Trung Quốc ở Afghanistan là gì, đặc biệt là liên quan đến chiến lược ‘một vành đai, một con đường’ của họ?".
Theo NLĐ