Chiến dịch quân sự hoàn hảo nhất của Nga

Thứ năm, 05/10/2017, 11:27
 Xin lại được giới thiệu với bạn đọc bài viết của một chuyên gia quân sự Nga quen thuộc – Aleksandr Khramchikhin.

Tác giả hiện là Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự, Viện HL KH Nga đăng trên “ Bình luận quân sự” (Nga) ngày 30/9/2017 nhân kỷ niệm 2 năm ngày Nga tham chiến tại Syria với tiêu đề như trên.

“Nga đã tham gia vào cuộc nội chiến tại Syria được tròn 2 năm. Rõ ràng là còn rất lâu nữa mới đến thời điểm kết thúc các hoạt động tác chiến, nhưng dù sao thì cái mốc tròn 2 năm này cũng là một dịp rất thích hợp dể “sơ kết” những kết quả ban đầu (của chiến dịch).

"Afganistan thứ 2"

Rất nhiều người ở Nga sợ rằng Syria sẽ trở thành một “Afganistan thứ hai” đối với chúng ta (Nga), ngay cả một số kẻ nào đấy trong những đồng bào của chúng ta và rất nhiều “đối tác ” trên thế giới tự đáy lòng cũng rất muốn điều đó xảy ra. Vì vậy, sẽ rất logich nếu đem so sánh chiến cuộc Syria của Nga với chiến cuộc Afganistan của Liên Xô.

Trong 2 năm đầu tiên của cuộc chiến tranh Afganistan, Quân đội Xô Viết mất gần 3.000 quân nhân cả tử trận lẫn bị bắt làm tù binh (chủ yếu là lính nghĩa vụ), gần 50 xe tăng, hơn 300 xe BRDM (xe trinh sát- tuần tiễu bọc thép), BMP (xe chiến đấu bộ binh) và BTR (xe vận tải bọc thép), 11 máy bay, 64 máy bay lên thẳng.

Về phía đối phương (lực lượng chống chính phủ Afganistan) bị thiệt hại bao nhiêu, không có số liệu, nhưng bù lại đã thấy rất rõ một điều là trong khoảng thời gian 2 năm đó tình hình đã thay đổi như thế nào tại chính Afganistan.

Cụ thể, vào thời điểm Liên Xô đưa quân vào Afganistan, các tranh chấp chủ yếu diễn ra trong nội bộ đảng cầm quyền, còn lực lượng đối lập Hồi giáo lúc chỉ gồm một số lượng ít ỏi các nhóm nhỏ, yếu và phân tán.

Chỉ sau hai năm, lực lượng đối lập đó đã trở thành một cơ cấu có tổ chức và rất mạnh, chúng kiểm soát gần như toàn bộ vùng nông thôn Afganistan. Còn đứng sau lưng các lực lượng dối lập này là liên minh các nhà tài trợ - Mỹ, Anh, A rập Saudi, Pakistan, Ai cập, Trung Quốc.

Và Iran cũng có lực lượng đối lập Afganistan riêng của mình, mặc dù lực lượng này không mạnh lắm. Có nghĩa trong 2 năm đầu chiến tranh, Liên Xô vừa phải gánh chịu tổn thất lớn, vừa đã làm cho tình hình Afganistan xấu hẳn về chất.

Còn tổn thất của Nga tại Syria trong 2 năm vừa qua, theo các số liệu chính thức (của phía Nga), là 38 quân nhân thiệt mạng. Và thậm chí nếu tin vào các “số liệu thay thế” (của đối tác-ND) về tổn thất của các “bên tham gia” cuộc chiến, thì tổng tổn thất về sinh mạng (của Nga) dù sao cũng chưa vượt ngưỡng 80 người.

Trong số đó, không có một người lính nghĩa vụ nào. Đã mất 3 máy bay, 5 máy bay lên thẳng, 2 BTR và 1 xe ô tô bọc thép. Nếu chỉ giải thích tại sao con số tổn thất không lớn như trên là bằng lý do đã có ai đó thay chúng ta (Nga) đánh nhau trên mặt đất thì sẽ rất không chính xác (vì):

Tại Afganistan “của chúng ta” cũng có Quân đội nhân dân Afganistan (Quân đội chính phủ được Nga hậu thuẫn-ND), về mặt hình thức, quân đội này quả là có yếu hơn một chút so với Quân đội Syria hiện nay. Tổn thất của đối phương (tại Syria) được Nga đánh giá vào khoảng 35.000 chiến binh thiệt mạng.

Theo số liệu của phía đối lập thì các lực lượng chống Asad mất 6.000 chiến binh tử trận vì các hoạt động tác chiến của Bộ đội đường không- vũ trụ Nga. Chân lý, có lẽ, như thường lệ, nằm ở đâu đó trong khoảng giữa các con số mà hai bên đưa ra - tức vào khoảng 20.000 người.

Còn về chuyện thay đổi tình hình tại Syria, thì rõ ràng mức độ tương phản với Afganistan còn thể hiện rõ ràng hơn nhiều so với sự khác biệt trong con số tổn thất của chúng ta (nếu so sánh tổn thất tại Afganistan và Syria-ND).

Chi tiết hơn nữa thì hai năm trước đây, lực lượng của Asad chỉ còn kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ và một nửa dân số, và quân Asad cũng đã bị kiệt sức trong một cuộc chiến tranh ác liệt cùng lúc trên rất nhiều mặt trận.

Cũng có người nói rằng rất nhiều các đối thủ của Asad không chỉ đánh quân Asad mà còn rất hăng hái đánh và tàn sát lẫn nhau, nhưng đó thực ra cũng chỉ là một sự an ủi không mấy dễ chịu (cho Asad).

Không còn quá nhiều nghi ngờ - chỉ đến cuối năm 2015 chế độ Asad sẽ mất quyền lực và toàn bộ Syria sẽ biến thành một địa ngục chiến tranh giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan với nhau và kết cục là một chiến thắng cuối cùng không thể tranh cãi của IS: Syria sẽ trở thành một căn cứ bành trưởng chủ nghĩa khủng bố Sunni “ra tất cả các góc phương vị”.

Liên minh các nhà tài trợ nước ngoài của các nước Phương Tây đứng đầu là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các Vương quốc bán đảo A rập do A rập Xe-út đứng đầu vào thời điểm đó đã hoàn toàn nhất trí với nhau ở một điểm là- điều quan trọng nhất là lật đổ Asad đã, tất cả những vấn đề còn lại, chúng ta (các nước này) sẽ tính toán sau.

Hiện nay, dưới quyền kiểm soát của Quân đội chính phủ (Syria) và đồng minh là hơn một nửa lãnh thổ và hơn 3/4 dân số Syria. IS đang ở trong tình trạng hấp hối.

Tổ chức này (IS) mất quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ cả ở Syria, cả ở Iraq, bị chặt đứt những nguồn cung cấp tài chính chủ yếu, chịu tổn thất nặng về người và phương tiện kỹ thuật.

Vì vậy, nguồn lực bổ sung các chiến binh từ người ngoài vào hàng ngũ IS đã bị suy giảm mạnh. Thứ nhất, ngay cả những chiến binh Hồi giáo cuồng tín nhất cũng không muốn đánh nhau nếu không có tiền.

Thứ hai, thậm chí nếu những kẻ cuồng tín này, có thể, sẵn sàng chết vì một chiến thắng tiếp theo của phong trào “Quốc gia Hồi giáo”, nhưng sẽ không dại gì chết một cách vô ích vì bom Nga trong khi không có gì trong tay để đánh trả (Không quân Nga).

Những nhóm chống Asad còn lại thì bị chia rẽ sâu sắc trên bình diện chính trị so với trước đây, giờ cũng chỉ kiểm soát các ốc đảo nhỏ, phân bố rải rác trên toàn đất nước Syria, và đã mất khả năng tranh giành quyền lực dù chỉ xét tư góc độ lý thuyết.

Liên minh các nhà tài trợ nước ngoài của “những chiến sỹ đấu tranh chống độc tài” đã hoàn toàn tan rã. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, trước đây là các nhà tổ chức chính yếu của “Quốc gia Hồi giáo”, đã không chỉ hắt hủi “đứa con rơi” của mình, mà, trên thực tế, đã chạy sang hàng ngũ bên kia chiến tuyến.

Mỹ cũng đã tìm được cho mình đủ “ý chí” để dừng mọi mưu toan tìm kiếm “lực lượng đối lập ôn hòa” chưa từng bao giờ tồn tại trong số những nhân vật A rập- Sunni và đã bắt đầu ủng hộ lực lượng thực sự chiến đấu chống lại “Quốc gia Hồi giáo” – tức lực lượng người Kurd.

Chỉ có A rập Xê-út, trên thực tế, là đơn thương độc mã ủng hộ hàng ngũ những nhóm Sunni cực đoan, nhưng Riyadh đã không còn hăng hái như trước, vâng, và cả tiền của cũng đã không còn xông xênh như trước vì đã can thiệp (quân sự) nhưng cực kỳ không thành công vào tình hình tại Yemen và do giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm.

Vào thời điểm này, nếu xét từ góc độ quy mô lực lượng đã được huy động, những tổn thất phải gánh chịu và những kết quả đạt được, chiến cuộc Syria được coi là một trong những chiến dịch thành công nhất trong toàn bộ lịch sử Các lực lượng vũ trang nước nhà (Nga) tính từ thời Riurik (thế kỷ thứ 9 – tính từ thời điểm nước Nga Sa Hoàng manh nha hình thành-ND) đến thời điểm hiện tại.

Một điều nữa đặc biệt gây ấn tượng, đó là nếu như 10 năm trước đây Các lực lượng vũ trang (trừ Lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược) của chúng ta, trên thực tế gần như không tồn tại, thì hiện nay, lực lượng này không chỉ tồn tại, mà còn tỏ ra là có hiệu quả gần như gấp hai chục lần Quân đội Xô Viết – một quân đội vốn được rất nhiều người trong chúng ta theo thói quen vẫn cho là một hình mẫu không thể với tới.

Vì thế mà hiệu quả các chiến dịch quân sự của Nga tại Syria luôn tốt hơn Mỹ ở mọi khía cạnh và luôn có một kết quả rõ ràng. Trong cuộc chiến chống khủng bố Quân đội Nga không có khái niệm vùng cấm hay giới hạn. Và họ phát huy tối đa sức mạnh các loại vũ khí mà mình được trang bị.

Ai thực sự đánh nhau với quân khủng bố

Cần phải thừa nhận đóng góp rất lớn của Nga vào cuộc chiến chống IS. Nguồn cơn sinh ra cái cơ cấu quỷ dữ này đáng được để dành cho một cuộc thảo luận riêng, ở đây chỉ có thể nói rằng, trước khi Nga can thiệp, Phương Tây chỉ “mô phỏng” cuộc đấu tranh chống IS, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và các Vương quốc Vùng Vịnh (đặc biệt là Qatar) còn trực tiếp hỗ trợ IS.

Chính nước Nga, sau khi triển khai các hoạt động “bẻ gãy xương sống” IS một cách thực sự, đã buộc Liên minh (của Phương Tây) phải bỏ rơi chính “sản phẩm” của mình (IS) và không những thế, còn tham chiến chống lại nó. Có nghĩa là việc đánh bại IS đã là công lao của Nga 100%, ngay cả trong trưởng hợp một số lực lượng khác cũng đã có những đóng góp quân sự nhất định.

Còn những luận điểm cho rằng IS sẽ không tan rã, nó vẫn còn nguyên đó và sẽ tiếp tục cuộc chiến dưới các hình thức khác, - thì có thể coi những “luận điểm” này là biểu hiện của “cơn giận dữ bất lực” của ai đó trước những thành tích và công lao của Nga.

Dĩ nhiên, những chiến binh IS còn sống sót sẽ tản ra và xâm nhập vào khắp nơi trên khắp thế giới (bộ phận IS chủ yếu, có lẽ, sẽ đến Afganistan, còn một số khác – đến Đông Nam Á và Châu Phi), nhưng những tổn thất về quân sự và kinh tế mà IS phải hứng chịu là quá lớn, những tổn thất đó đã biến tổ chức này thành một cơ cấu hoàn toàn khác, suy yếu hơn rất nhiều cả về chất lẫn về lượng.

Sự “bành trướng” của các chiến binh IS (hậu Syria) , nếu tính về hậu quả, sẽ không là gì so với hậu quả của sự bành trướng IS bắt đầu từ Syria sau khi nước này đã bị IS kiểm soát trong trường hợp chế độ Asad sụp đổ.

Dĩ nhiên, chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Cần phải tiêu diệt IS một cách triệt để. Cũng cần thiết phải làm rõ “phải trái” với các lực lượng “đối lập” còn lại để buộc họ hoặc là phải đầu hàng hoặc là bị tiêu diệt.

Trong trường hợp đánh bại được IS, nhiệm vụ này (buộc lực lượng đối lập còn lại hoặc là đầu hàng hoặc tiêu diệt họ) sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, bởi vì những đơn vị tinh nhuệ nhất của Quân đội Syria lúc đó sẽ rảnh tay tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ, mặc dù vậy, để làm được điều đó cũng không hề dễ dàng đơn giản chỉ bởi vì Riyath và Washington sẽ dùng mọi biện pháp để thuyết phục “các chiến sỹ đấu tranh chống độc tài” (kể cả những tổ chức bị cấm hoạt động tại Nga như “an- Nusra”/ “Al-Queda”) tiếp tục chiến đấu dù họ đã không có cơ hội giành thắng lợi nào. Và lúc đó thì dĩ nhiên, Damascus và đồng mình sẽ phải đối mặt với những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Iran đã có những hậu thuẫn rất lớn giúp Asad đứng vững hơn 4 năm trong khi chờ đợi sự giúp đỡ từ phía Nga. Chính Iran đã cung cấp hành lang không phận cho chúng ta đến Syria và giúp chúng ta trong nhiều công việc khác.

Nhưng hiện nay Tehran đang mong muốn thiết lập sự kiểm soát thực tế giới lãnh đạo và Quân đội Syria, và điều đó khiến chính quyền Asad và hàng ngũ tướng lĩnh quân đội nước này rất không hài lòng.

Asad và tuyệt đại đa số các sỹ quan cùng các tướng lĩnh cầm quân nước này- những người thực sự theo các quan điểm thế tục, sau khi đã rũ bỏ được ảnh hướng của những phần tử cực đoan Sunni, sẽ không hề có ý định biến Syria thành một nước cộng hòa (Hồi giáo)Shiite (ý muốn nói chịu ảnh hưởng khống chế của Iran-ND).

Damascus và Matxcova sẽ rất không dễ dàng trong việc vừa phải kiềm chế được những tham vọng trên của Tehran, nhưng lại vừa phải tránh đối đầu với giới lãnh đạo Iran.

Trên thực tế gần như tất cả các cộng đồng thiểu số dân tộc và tôn giáo Syria đã cùng đứng chung một chiến hào với Asad trong cuộc chiến chống IS, bởi vì họ hiểu rằng, trong trường hợp “những chiến sỹ đấu tranh chống độc tài” giành chiến thắng, họ chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ bị diệt chủng.

Cùng chiến đấu với Asad còn có các đảng phái chính trị thế tục vì những người này cũng hiểu rất rõ rằng cái gọi là “phe đối lập thế tục ôn hòa” chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của các nhà tuyên truyền Phương Tây, vì thế mà họ chỉ có thể tồn tại nếu Asad đứng vững.

Tất cả các nhóm đó chiến đấu không đơn thuần chỉ vì chính Asad, mà còn để chống lại những đối thủ của Asad. Còn bây giờ thì họ muốn cho mình, và điều này hoàn toàn hợp pháp, một tỷ lệ quyền lực nhất định trong một nước Syria hậu chiến tranh. Liệu Asad có đủ nhận thức thực tế để hiểu được điều (nguyện vọng) này (của họ)?

Vấn đề người Kurd

Cuối cùng, Damascus sẽ phải đối diện với vấn đề người Kurrd cùng với tất cả những khía cạnh cực kỳ phức tạp của nó. Người Kurd – lực lượng duy nhất ở Syria hiện nay có thể thực sự được gọi là lực lượng đối lập thế tục ôn hòa mà không phải để trong ngoặc kép và cùng từ “cái gọi là” đi kèm.

Trong tất cả những năm vừa rồi, họ (người Kurd) chiến đấu chống lại tất cả lực lượng Sunni cực đoan, đồng thời duy trì một “nền hòa bình lạnh” với Damascus (rất ít khi có các cuộc đụng độ giữa người Kurd với Quân đội chính phủ, nếu có thì quy mô cũng không lớn).

Người Nga cũng nhận thức được điều đó và ủng hộ người Kurd không chỉ trên bình diện chính trị mà còn cả cung cấp vũ khí. Từ cuối năm ngoái (khi còn dưới thời đại Obama), Mỹ đã đặt cược vào người Kurd. Nhờ có sự hậu thuẫn của Mỹ mà người Kurd đã tái chiếm từ tay IS một phần đáng kể lãnh thổ ở vùng Đông Bắc Syria, vượt ra ngoài phạm vi không gian sinh tồn truyền thống của mình và chiếm giữ những khu vực “thuần A rập”.

Hiện nay , người Kurd đã chạm trán Quân đội Syyria trên sông Eufrat tại khu vực Deir Ez Zora. Đã xuất hiện một nguy cơ thực tế rất lớn là “nền hòa bình lạnh” rất có thể sẽ trở thành một cuộc chiến tranh nóng do có sự xúi bẩy “nhiệt tình” của người Mỹ- một cuộc chiến như vậy rất có lợi cho những kẻ cực đoan Sunni, đặc biệt là IS.

Trong cộng đồng người Kurd hiện đã xuất hiện hội chứng “say men chiến thắng”, còn Asad, có vẻ như cho đến bây giờ vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận quyền của người Kurrd có được một nền tự trị rộng rãi hơn. Nga cần phải trở thành bên trung gian hòa giải giữa Damascus và người Kurd, nếu không thì xung đột giữa họ có thể đào mồ chôn phần lớn những thành tựu đã đạt được như vừa mô tả ở trên.

Nhưng nói chung, trong bất kỳ trường hợp nào thì những thành tựu (trong chiến dịch quân sự của Nga) tại Syria là không thể tranh cãi. Sở dĩ Matxcova có được những công tích như vậy là vì đã có những cải thiện về chất lượng trong hiệu quả hoạt động của Các lực lượng vũ trang Nga và sự sẵn sàng của giới lãnh đạo quân sự - chính trị Nga trong việc sử dụng Các lực lượng vũ trang theo đúng chức năng của mình.

Hai năm trước đây, rất nhiều các chuyên gia trong nước (kể cả những người ủng hộ can thiệp quân sự tại Syria) đã từng viết rằng điều quan trong nhất bây giờ (lúc mới can thiệp quân sự-ND) là - rút lui đúng lúc.

Có nghĩa là theo những phương châm tư duy hậu hiện đại thì không cần phải giành một chiến thắng thực sự, chỉ cần lớn tiếng tuyên bố là đã có chiến thắng và bỏ chạy thật nhanh. May mắn là, Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga đã hiểu ra rằng, thực tiễn vẫn quan trọng hơn những luận điệu tuyên truyền.

Và cần phải, trước hết là có những chiến thắng trên chiến trường, còn sau đó mới đến các tuyên bố về chiến thắng đó. Có thể, chính đây mới là bài học quan trọng bậc nhất của hai năm vừa qua trong chiến dịch quân sự (của Nga) tại Syria.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn