Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Triều Tiên

Thứ năm, 05/10/2017, 13:26
 Sau 70 năm thành lập và phát triển, Triều Tiên đã đạt được thành tựu ở nhiều mặt. Tuy nhiên, có một sự thật là Triều Tiên vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng khi lượng điện sản xuất không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.

Hình ảnh những tấm pin năng lượng mặt trời treo trước cửa các căn hộ đã trở nên quen thuộc tại Triều Tiên (Ảnh: LA Times)

Theo AFP, những hình ảnh được chụp từ vệ tinh vào ban đêm cho thấy một khoảng tối tại phía Bắc của bán đảo Triều Tiên, giữa 2 vùng sáng trên lãnh thổ Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở Triều Tiên, hình ảnh các gia đình lắp các tấm pin mặt trời tại cửa đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Tại nhà máy điện Wonsan, hàng nghìn lít nước chảy qua các tua bin để sản xuất ra điện cho khu dân cư thuộc khu vực bờ biển phía Đông. Kỹ sư trưởng Choe Yong Jun cho biết trong khi công suất tối đa của nhà máy là 60.000KWh nhưng công suất thực tế chỉ vào khoảng 25.000KWh, chỉ đạt được 40%.

Các quan chức Triều Tiên cũng ý thức được sự khan hiếm điện năng này. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA từng trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Pak Pong Ju thừa nhận Bình Nhưỡng đang lâm vào tình cảnh thiếu hụt năng lượng trong lễ khởi công trạm thủy điện Tanchon.

Sự kiện tác động lớn nhất đến ngành công nghiệp năng lượng Triều Tiên chính là sự sụp đổ của Liên Xô năm 1990. Nền kỹ thuật sản xuất của Triều Tiên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng điện sản xuất bắt đầu đi xuống.

Thế nhưng, giờ đây tình trạng của Triều Tiên giờ đây được cho là thậm chí còn không bằng những năm 1990. Theo chuyên gia Andrei Lankov của tổ chức Korea Risk, sản lượng điện hiện tại của Triều Tiên chỉ bằng 1 nửa so với thời kỳ trước, một sự sụt giảm nghiêm trọng.

Hiện tại, Triều Tiên đang ưu tiên lượng điện năng sản xuất cho các ngành công nghiệp then chốt của nước này. Ví dụ như nhà máy Taedonggang và công viên giải trí Kaeson Youth Park sẽ không bao giờ bị cắt điện. Hay tại khu tổ hợp sản xuất thép Chollima, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Triều Tiên, việc mất điện sẽ được coi là sự cố cấp quốc gia.

Thích nghi với tình trạng thiếu điện

Pin năng lượng mặt trời mặt hàng bán chạy ở Triều Tiên. (Ảnh: LA Times)

Theo số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế vào năm 2015, thủy điện chiếm 73% tổng sản lượng điện do Triều Tiên sản xuất. Tiêu thụ điện bình quân trên đầu người ước đạt 0.46 MWh, bằng 1/20 so với Hàn Quốc. Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng chỉ 30% người Triều Tiên được sử dụng điện.

Người dân Triều Tiên không có lựa chọn nào khác ngoài buộc phải thích nghi với sự thiếu thốn như một phần của cuộc sống. Những tấm pin năng lượng mặt trời trở thành mặt hàng bán chạy ở khu vực biên giới Trung Triều. Các cửa hàng ở Bình Nhưỡng bày bán bộ năng lượng mặt trời công suất 35 watt với giá 45 USD, một mức giá phải chăng so với thu nhập các hộ gia đình trung lưu.

Ngoài ra, người Triều Tiên cũng đã sử dụng các công nghệ tiết kiệm điện, chi phí thấp như đèn LED. Các nhà phân tích lạc quan cho rằng trong tương lai hình ảnh vệ tinh chụp một Triều Tiên tối tăm sẽ chỉ còn là quá khứ.

Tuy nhiên, thực tế là những tấm pin năng lượng mặt trời chỉ có thể tích đủ điện năng cho những thiết bị điện áp thấp như tivi. Những thiết bị như máy giặt, tủ lạnh cần lượng điện áp cao và ổn định hơn.

Ông Andrei Lankov nhận xét: “Có lẽ Triều Tiên là quốc gia sử dụng pin năng lượng mặt trời nhiều nhất thế giới. Khi đi qua biên giới Trung Quốc, bạn sẽ thấy rất ít các tấm pin này bởi vì mạng điện lưới ở đây khá ổn định”.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn