Mới đây, người đứng đầu phái đoàn Nga trong các cuộc đàm phán về Syria, được tổ chức tại Astana nói rằng, Nga hy vọng Mỹ sẽ cùng hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Al-Nusra ở Syria.
"Chúng tôi đã nhận được sự hợp tác tích cực trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tôi hy vọng sẽ có được tinh thần như vậy trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố khác, bao gồm Jabhat Al-Nusra.
Nga muốn xem Mỹ và các đối tác của Mỹ có cùng chia sẻ với chúng tôi hay không để tất cả chúng ta có thể đi đúng hướng", ông Alexander Lavrentiev nói.
Tuy nhiên, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria cũng cho biết thêm là tình hình hiện nay có thể không thuận lợi. Điều này xuất phát từ nhiều vấn đề bên trong nước Mỹ.
"Chúng tôi đang làm việc với Mỹ, và hy vọng cả Moscow và Washington sẽ cùng nhau hợp tác. Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Nhóm khủng bố Al-Nusra ơ Syria |
Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh này là, liệu rằng, Mỹ có chấp nhận với lời đề nghị này của Nga hay không? Đối với Washington đây là một quyết định khó khăn.
Bởi lẽ, ngay từ cuối năm 2015, Mỹ và một số quốc gia vùng Vịnh mà đầu tàu là Qatar và Saudi Arabia đã hối thúc Al-Nusra tách ra khỏi tổ chức khủng bố al-Qaeda, nhằm phù phép biến tổ chức khủng bố này trở thành một phe đối lập rất mạnh ở Syria.
Sau đó không lâu, nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan al-Nusra đã tuyên bố tách ra khỏi tổ chức al-Qaeda, xóa bỏ hình tượng đen tối và và tội danh khủng bố theo danh sách được Liên Hợp Quốc công bố.
Từ khi khoác ''chiếc áo mới'' trên người, al-Nusra đã tiến hành hàng loạt những động thái với tôn chỉ ''Thân thiện với phương Tây, chống chính quyền Assad''. Cuối cùng, nhóm phiến quân này được Mỹ và phương Tây gọi với cái tên mỹ miều ''đối lập ôn hòa''.
Kể từ khi rũ bỏ chiếc áo khủng bố đẫm máu, mặc lên người bộ quần áo sạch sẽ của một lực lượng chính trị đối lập Syria, được sự hậu thuẫn của phương Tây, nhóm phiến quân này hoạt động tại miền Bắc Syria mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào.
Nên nhớ, không phải tự dưng Mỹ lên kế hoạch tách Al-Nusra khỏi tổ chức khủng bố al-Qaeda. Cho dù hiện nay nhóm phiến quân này đã bị thu hẹp phạm vi hoạt động tại Syria sau những cuộc tấn công hiệu quả của Nga-Syria song Al-Nusra vẫn là một nhân tố khiến chính phủ Syria phải đau đầu đối phó.
Duy trì sự hỗn loạn trên khắp lãnh thổ Syria là nhiệm vụ mà các nhóm phiến quân được gắn mác ''đối lập ôn hòa'' phải thực hiện. Lợi ích sẽ được nảy sinh từ chính sự hỗn loạn đó. Do vậy, Mỹ sẽ không dễ dàng gì để từ bỏ một hạt giống mà họ đã dày công vun đắp chỉ để làm hài lòng Nga.
Một khi Mỹ từ chối hợp tác với Nga thì rõ ràng, Mỹ đang gián tiếp thừa nhận rằng nhóm khủng bố Al-Nusra là ''đứa con cưng'' của nước này tại Syria.
Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, nếu Mỹ chấp nhận hỗ trợ Nga tiêu diệt Jabhat Al-Nusra thì đây được coi là hành động ''vắt chanh bỏ vỏ''. Hành động này sẽ khiến các nhóm phiến quân khác được Mỹ với phương Tây hậu thuẫn mất lòng tin.
Mỹ từng bỏ rơi FSA và nếu như Jabhat Al-Nusra không khẳng định được giá trị của mình thì nhóm phiến quân này cũng phải chịu một kết cục tương tự.
Theo Đất Việt