Làng Tân Cổ nằm giáp quốc lộ 1A, cách trung tâm TP.Thanh Hóa 6km về phía Nam. Tân Cổ là làng nghề nuôi cá chép có từ lâu đời, đặc biệt là cá chép đỏ làm "phương tiện" cho ngày ông Công, ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch).
Thu hoạch. |
Ở đây, đặc biệt nhà nào cũng có vài, ba cái ao, nhà ít nhất cũng là một cái, chủ yếu thả các loại cá trôi, mè, trắm, gáy (cá chép) và chủ yếu là nuôi cá bán giống. Cá được đóng bì nilon, bơm khí ô-xi đưa đi bán khắp các vùng trong tỉnh, từ miền xuôi lên miền ngược, thậm chí được đưa vào các tỉnh khu vực miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...
Người dân phấn khởi thu hoạch cá chép đi bán. |
Cá chép đỏ nhiều năm nay rất được ưa chuộng. |
Năm nào cũng vậy, cừ từ ngày 20 đến ngày 22/12 âm lịch, người dân làng Tân Cổ lại hối hả thu hoạch cá chép.
Ông Lê Hữu Vân đã có nhiều năm nuôi cá chép, cho biết năm nay giá cá chép nhập cho thương lái sẽ có giá cao hơn so với mọi năm. Nguyên nhân do năm nay Thanh Hóa gặp thiên tai lũ lụt nên cá của nhiều gia đình bị trôi hết.
“Năm trước giá 1kg cá chép thường dao động từ 190.000 - 220.000 đồng nhưng năm nay cá sẽ có giá cao hơn. Nhiều thương lái cho hay cá chép làng Tân Cổ luôn được thị trường ưa chuộng vì có màu đỏ óng, to đều, không có đốm đen” – một thương lái cho biết.
Những năm gần đây, mặc dù nghề cá đã có phần thu hẹp, nhưng truyền thống bán “cá ông Công, ông Táo” của làng vẫn được giữ nguyên. Cả cái tết ấm no của các gia đình nơi đây hầu như trông chờ vào tiền bán cá trong dịp này.
Theo Dân Trí