|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng ba. Ảnh: Xinhua. |
Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng tới giữa Kim Jong-un và Trump có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, bên có lợi ích địa chính trị và an ninh liên quan đến Triều Tiên.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ lâu đã ủng hộ bán đảo Triều Tiên không hạt nhân nhưng các nhà chiến lược nói ưu tiên lớn nhất của họ là ngăn chính quyền Triều Tiên sụp đổ. Nếu Bình Nhưỡng suy sụp vì các lệnh trừng phạt, làn sóng người tị nạn nước này có thể đổ về Trung Quốc, theo CNBC.
Đối với Bắc Kinh, "thỏa thuận hòa bình giữa Hàn - Triều có thể làm suy yếu liên minh Mỹ với Hàn Quốc, giảm nguy cơ xung đột và làn sóng tị nạn đổ về biên giới Trung Quốc. Cuối cùng, nó có thể dẫn đến việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc", theo Fred Kempe, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội nghị Đại Tây Dương.
Chính quyền Kim Jong-un lâu nay cũng muốn kết thúc sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và họ có thể yêu cầu điều đó như điều kiện tiên quyết để từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trung Quốc thì muốn thúc đẩy điều đó để giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có chung mục tiêu cho hội nghị thượng đỉnh 12/6: khiến Nhà Trắng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, theo Gregory Kulacki, chuyên gia về Trung Quốc của nhóm nghiên cứu và vận động Liên hiệp các nhà khoa học Quan tâm (UCS).
"Trung Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận", Kulacki nói cuối tuần trước. Thỏa thuận này đòi hỏi Bắc Kinh nối lại quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng nếu họ đồng ý đóng băng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, ông giải thích.
Nhưng "để Trung Quốc mở cửa kinh tế một chút, các biện pháp trừng phạt cần được nới lỏng, có nghĩa là cần một số nhượng bộ từ Mỹ", Kulacki nhận xét và nói thêm rằng nếu Mỹ làm vậy thì đó sẽ là chiến thắng cho cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Trong một cuộc họp giữa ông Kim và ông Tập hồi đầu tháng, lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại sự ủng hộ cho việc Triều Tiên phi hạt nhân. Ông Kim nói với ông Tập rằng Bình Nhưỡng sẽ không cần phải sở hữu vũ khí hạt nhân nếu một "bên liên quan" giảm "các chính sách thù địch và các mối đe dọa an ninh", rõ ràng ám chỉ đến Mỹ.
Sau cuộc gặp gỡ đó, Trump nói ông Kim có thể đã bị ông Tập gây ảnh hưởng. Tuần này, Tổng thống Mỹ thúc giục Trung Quốc siết chặt biên giới với Triều Tiên.
Kết quả lý tưởng với Trung Quốc cho cuộc họp Trump - Kim là "hạ cánh nhẹ nhàng", tức là "Triều Tiên phi hạt nhân hóa, dần dần cải cách và mở cửa xã hội", Ren Xiao, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phục Đán Thượng Hải nói.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Hàn - Triều ngày 27/4 đánh dấu sự khởi đầu cho một tiến trình dài và phức tạp để thiết lập hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên sau 7 thập niên căng thẳng. Họ còn muốn tiến tới mục tiêu xa hơn nữa là thống nhất hai miền Nam - Bắc. Từ "thống nhất" không chỉ xuất hiện 4 lần trong tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước sau hội nghị lịch sử mà còn được đưa vào tiêu đề của "Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất cho bán đảo Triều Tiên".
Tuy nhiên, Trung Quốc lo ngại về viễn cảnh hai miền thống nhất này vì nhà nước mới có thể chịu ảnh hưởng của Mỹ. "Nếu Trump lèo lái tốt, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một bán đảo Triều Tiên mạnh mẽ hơn, lớn hơn và cuối cùng thống nhất như một quốc gia dân chủ và là đồng minh của Mỹ", Kempe cảnh báo.
"Thỏa thuận hòa bình tồi tệ nhất cho Bắc Kinh sẽ là Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên hình thành một loại nhóm hay liên minh nào đó", Xiao đánh giá. Nhưng "điều đó khó xảy ra", ông nói thêm.
Theo VNE