Cuộc chiến cáp ngầm dưới biển Thái Bình Dương

Thứ ba, 05/06/2018, 15:01
Các chuyên gia cảnh báo mối đe dọa an ninh quốc gia khi Trung Quốc cạnh tranh gay gắt với Úc về lắp cáp biển ở Nam Thái Bình Dương.

Một đoạn cáp biển ngoài khơi TP.Sydney

Trên 95% đường truyền thông tin liên lạc trên thế giới đi qua 200 tuyến cáp ngầm dưới đáy biển. Giới chuyên gia cho biết Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lắp đặt 85% cáp biển, nhưng Trung Quốc đang thôn tính lấn sang lĩnh vực này tại Nam Thái Bình Dương vốn là sân sau của Úc, nhằm phục vụ mục đích kinh tế, quân sự lẫn do thám, theo tờ The Asian Nikkei Review.

Năm 2017, Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) công bố dự án đặt cáp biển 4.000km từ đảo quốc Solomon đến trạm kết nối tại TP.Sydney (Úc) và tuyến dài 5.457km cho Papua New Guinea (đến Indonesia, Úc). Huawei còn tặng 4,9 triệu USD (112 tỉ đồng) cho ông Manasseh Sogavare - Thủ tướng Solomon lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Canberra phản đối cả hai dự án và ông Sogavare đã đến gặp Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull để thuyết phục.

Vào cuối tháng 11.2017, ông Sogavare bị phế truất trước cáo buộc nhận tiền không chính đáng từ Trung Quốc. Đến tháng 4.2018, Úc tái khẳng định tự đặt cáp biển đến Solomon và Papua New Guinea, không cần Trung Quốc.

“Trạm kết nối Sydney vốn là cửa ngõ quan trọng giữa Úc và Mỹ nên gián điệp Trung Quốc có thể tấn công mạng, làm gián đoạn đường truyền gây hậu quả nghiêm trọng về mặt quân sự, kinh tế và chính trị”, chuyên gia Jonathan Pryke thuộc Tổ chức Lowy Institute (Úc) nhận định. Ngoài ra, cáp biển cũng dễ bị đặt thiết bị nghe lén hoặc gây nhiễu, theo ông Prykes. Trước đó, cơ quan an ninh Úc hồi năm 2012 yêu cầu chính phủ cấm Huawei đấu thầu dự án đường truyền băng thông rộng quốc gia vì lý do an ninh. Mới đây, Canberra tuyên bố xem xét lại luật phòng chống gián điệp sau khi cáo buộc Trung Quốc can dự vào nội chính Úc.

Nhà ngoại giao Kapi Maro của Papua New Guinea cho rằng Trung Quốc khiến Úc nhảy vào cuộc cạnh tranh này. Dù vậy, không giống các dự án “mập mờ” của Trung Quốc, tuyến cáp biển Papua New Guinea do Úc thực hiện và tài trợ 2/3 chi phí sắp hoàn tất vào năm tới. Ngoài cáp biển, Huawei còn cung cấp hosting, chính phủ điện tử cho Vanuatu, Papua New Guinea và Fiji dùng khoản vay từ Trung Quốc. “Nắm được cơ sở viễn thông giúp tình báo Trung Quốc theo dõi mọi thông tin liên lạc của nước ngoài như Mỹ từng làm trước đây”, cựu chiến lược gia hải quân Hoa Kỳ Bryan Clark lưu ý.

Úc, Mỹ và phương Tây gần đây đặt nghi vấn về ý đồ thật sự của các công ty viễn thông Trung Quốc, nhưng do nhu cầu phát triển nên những đảo quốc ở Thái Bình Dương khó cưỡng lại đề xuất hào phóng, khoản vay từ Bắc Kinh. “Các nước lớn dè dặt, nhưng Trung Quốc chấp nhận mọi rủi ro”, một quan chức cấp cao Papua New Guinea giấu tên lý giải. Còn Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai trần tình: “Mọi người đổ lỗi cho chúng tôi vì muốn phát triển phải hợp tác với Trung Quốc”. Vanuatu cũng cần tuyến cáp biển, nhưng không đủ năng lực.

Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao “sổ nợ” ở Thái Bình Dương. Cụ thể, Vanuatu, Papua New Guinea và Tonga đều vay Trung Quốc hàng tỉ USD, theo báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Úc bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin Bắc Kinh đàm phán để xây căn cứ quân sự và đưa lính đến đồn trú tại Vanuatu. Dù hai bên phủ nhận thông tin nhưng báo cáo của Đại học Harvard dự đoán khả năng Trung Quốc đưa quân đến đây khá cao do Vanuatu (cách Úc chỉ 2.500km) đã vay 270 triệu USD (35% GDP) từ Bắc Kinh trong 10 năm qua.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích