Giới chức Triều Tiên tích cực thúc đẩy cải tổ kinh tế đất nước

Thứ ba, 05/06/2018, 16:56
Choe Ryong-hae, người được cho là quyền lực thứ hai sau Kim Jong-un, gần đây đã tăng cường các hoạt động cải tổ kinh tế tại Triều Tiên

Choe Ryong-hae (thứ hai từ trái sang) tới thăm trang trại Poman hôm 5/6. Ảnh: Rodong Sinmun.

Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Choe Ryong-hae hôm nay tới khu vực phía Nam thủ đô Bình Nhưỡng để khảo sát trang trại hợp tác xã Poman và Migok, trại cá Rinsan và nhà máy thực phẩm Jongbangsan, theo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên. Hồi cuối tháng 5, Choe cũng đến kiểm tra tại một nhà máy lắp ráp ôtô và một nhà máy thực phẩm.

Trong chuyến thăm, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nhắc nhở công nhân phải "đưa quá trình sản xuất vào một nền tảng hiện đại và khoa học cao cấp hơn, đồng thời tăng cường sản xuất ngũ cốc", Yonhap đưa tin.

Các chuyến thăm liên quan đến kinh tế của Choe tăng vọt sau khi lãnh đạo Kim Jong-un hôm 20/4 tuyên bố thay đổi chính sách, nhằm tập trung vào kinh tế tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng. Trước đó, Triều Tiên từng theo đuổi "chính sách Byungjin", có nghĩa là phát triển đồng thời cả quân sự và kinh tế.

Các nhà phân tích suy đoán rằng việc Choe tăng cường hoạt động thăm viếng là một động thái khuyến khích các quan chức trên toàn quốc tham gia tích cực hơn vào phát triển kinh tế.

Trong khi đó, Thủ tướng Triều Tiên Pak Pong-ju cũng tham gia thúc đẩy kinh tế bằng việc tới thăm các trang trại và nhà máy. Ông kêu gọi các công nhân chủ động giới thiệu các phương pháp tăng năng suất, cải thiện chất lượng và đẩy nhanh tiến độ sản xuất.

Hong Min, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn Quốc về Thống nhất Quốc gia, cho rằng Choe và Pak dường như đang củng cố trách nhiệm phát triển kinh tế trong thời gian lãnh đạo Kim Jong-un dồn sức cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các chuyên gia nhận định Mỹ có khả năng sẽ đề xuất hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên tại cuộc đàm phán để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa. Ngoài việc hỗ trợ vốn tư nhân, cung cấp thực phẩm và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, Mỹ có thể đưa ra các ưu đãi kinh tế khác, bao gồm nới lỏng lệnh trừng phạt.

Theo VNE

Các tin cũ hơn