|
Các bệ phóng tên lửa HQ-9 ở đảo Phú Lâm biến mất trong ảnh vệ tinh ngày 3/6. Ảnh: ImageSat International. |
Những bức ảnh do vệ tinh ImageSat International (ISI) chụp ngày 3/6 cho thấy các hệ thống tên lửa phòng không và lưới ngụy trang được Trung Quốc triển khai phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã biến mất, theo Fox News.
Việc Trung Quốc triển khai thêm tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm được vệ tinh ISI phát hiện từ hôm 20/5. Ảnh vệ tinh thời điểm đó cho thấy hai tổ hợp tên lửa HQ-9 được triển khai thêm ở bờ Bắc của đảo, bên cạnh một tổ hợp radar, tất cả đều được phủ lưới ngụy trang.
Động thái quân sự hóa này của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Mỹ. Washington đã quyết định hủy lời mời Bắc Kinh tham dự tập trận hải quân RIMPAC 2018 để phản đối hành động triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm.
Hiện chưa rõ việc rút tên lửa khỏi đảo Phú Lâm là hoạt động diễn tập hay động thái phản ứng của Trung Quốc trước các sức ép gần đây của Mỹ buộc Bắc Kinh phải ngừng việc quân sự hóa trái phép Biển Đông.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng việc Trung Quốc điều vũ khí ra Biển Đông là nhằm mục đích đe dọa và cưỡng ép các quốc gia khác, đồng thời khẳng định Washington sẽ không chấp nhận Bắc Kinh quân sự hóa các đảo ở vùng biển này.
Theo ông Mattis, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 chỉ là phản ứng ban đầu để phản đối Bắc Kinh. "Đây chỉ là hậu quả nhỏ và Trung Quốc có thể đối mặt với những trừng phạt nghiêm khắc hơn trong tương lai", Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012. Bắc Kinh đã xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm. Năm 2016, quân đội nước này từng điều chiến đấu cơ J-11 và tiêm kích bom JH-7 tới hạ cánh trên đường băng tại đảo Phú Lâm.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Theo VNE