|
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) dẫn lại báo cáo đoàn giám sát tối cao của Quốc hội (QH) chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất; có lợi ích nhóm trong cổ phần hóa, biến đất công thành đất tư, gây bức xúc trong dân. Dẫn trường hợp đơn vị thuộc Tổng công ty cấp thoát nước Sài Gòn khi cổ phần hóa bán lô đất, không đầu tư gì thu lời 40 tỉ đồng, ông Sinh chất vấn: “Vậy chúng ta còn bao nhiêu doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa đã bán trao tay. Chúng ta còn thu được lại tiền hay không? Xử lý trong vụ việc này thế nào, ai là móc ngoặc, ai là lợi ích nhóm”.
Đáp lại, ông Hà nói đối với DN cổ phần hóa, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu DN đó. Song ông cũng nhận trách nhiệm của ngành TN-MT, trong đó có Bộ trưởng, nếu việc đó làm chưa tốt. Ông Hà cho rằng để xử lý quan trọng nhất là khâu đấu giá, định giá đất sát hơn với thị trường, giá đất phải công khai với nhân dân.
Tiếp tục “truy” về đất, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực trạng có tỷ lệ không nhỏ tỉ phú, đại gia VN ra đời từ các dự án bất động sản. Và càng phát triển, giá đất càng tăng, Chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền đền bù và người dân càng khiếu kiện.
Phúc đáp, Bộ trưởng Hà thừa nhận cần chấn chỉnh lại khâu định giá, đấu giá. Ngoài ra, với quan điểm “đã là tài sản của nhà nước thì không cho không ai cả” ông nói tiếp: “Nếu mảnh đất hoạt động hiệu quả chúng ta thu thuế thu nhập, còn để hoang hóa, không sử dụng thì tăng thuế sử dụng đất đai”.
"Những vụ nóng như Thủ Thiêm người dân đã quá thiệt thòi, ai sẽ trả lại thiệt thòi này cho người dân, khi mà đáng lẽ họ được hưởng". ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) |
Bộ trưởng nói nhiều nhưng ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chưa thỏa mãn. Ông Phong đồng tình với ý của ĐB Cường (Hà Nội) nhưng đề nghị phải có giải pháp, không thể để tồn tại kéo dài. “Những vụ nóng như Thủ Thiêm người dân đã quá thiệt thòi, ai sẽ trả lại thiệt thòi này cho người dân, khi mà đáng lẽ họ được hưởng”, ĐB Phong chất vấn. Câu chất vấn khá “nóng” này đã không nhận được hồi đáp vì… hết giờ.
Trước đó, liên quan đến đất đặc khu, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt vấn đề giao dịch mua bán đất đai phức tạp tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, song ông đặc biệt lưu ý thông tin người nước ngoài đã mua nhà ở khu vực này. Tuy nhiên, ông Hà phủ nhận thông tin này và giải thích theo quy định hiện hành thì người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua chung cư ở các đặc khu.
Ngoài quản lý đất, cử tri rất kỳ vọng các nội dung về môi trường. Tuy nhiên, khối lượng câu hỏi ít, chưa tập trung và cũng chưa thực sự chất lượng. Chỉ có một vài ý kiến đáng chú ý như ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) hỏi Bộ trưởng TN-MT về 2 nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai tại Đắk Lắk đã 3 - 4 lần gặp sự cố; hệ thống xử lý môi trường hoạt động được 9 năm dẫn tới nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường và là thảm họa nếu để xảy ra vỡ hồ thải, hồ bùn đỏ.
Ông Hà cho biết, qua kiểm tra tại dự án Nhân Cơ sự cố chỉ xảy ra cục bộ, những chỗ rò rỉ đã được khắc phục, không thể gây ra khủng hoảng lớn về môi trường. Riêng hồ bùn đỏ chứa chất thải được thiết kế 3 lớp an toàn. “Các giải pháp môi trường hiện nay tôi cho rằng có thể yên tâm được”, ông Hà khẳng định.
ĐB Hoàng Quốc Thưởng chất vấn về việc khắc phục hậu quả của Formosa sau khi để xảy ra 54 lỗi. Liệu rằng sẽ không còn những sự cố đáng tiếc? Ông Hà phản hồi, quá trình khắc phục đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, công nghệ giám sát kiểm soát môi trường trực tuyến; có đến 3 nấc đề phòng sự cố ngay tại nơi sản xuất, sự cố trong phạm vi nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy.
Theo Thanh Niên