|
Cựu gián điệp Kim Young-Sik bị giam giữ 26 năm trong nhà tù Hàn Quốc. Ảnh: BBC. |
Khi ở tuổi đôi mươi, chàng trai Kim Young-sik không thể chứng kiến đất nước tiếp tục cảnh lầm than. Chàng trai trẻ tin rằng chính các thế lực nước ngoài là nguyên nhân khiến hai miền Triều Tiên chia cắt. Năm 1962, ông Kim, đóng giả là một thợ sửa đài phát thanh, lên một chiếc thuyền chở nhóm gián điệp Bắc Hàn dong buồm về phía Nam.
"Khi đó tôi còn trẻ và rất yêu gia đình mình ở Triều Tiên. Chúng tôi không thể tách khỏi nhau và sống rất hạnh phúc", ông Kim nói với BBC. "Dù vậy, tôi vẫn quyết định đến miền Nam bởi vì đất nước tôi đang chịu khổ đau".
Con thuyền băng qua một hành trình dài đến Ulsan, thành phố cảng sầm uất của Hàn Quốc, mà không bị phát hiện. Họ suýt đi vào vùng biển Nhật Bản trước khi quay đầu hướng về phía bờ biển Đông Nam của Hàn Quốc.
Nhưng trước khi chàng thanh niên Kim có thể thực hiện nhiệm vụ phản gián, lực lượng bảo vệ bờ biển phát hiện con thuyền. Ông Kim bị giam suốt 26 năm trong tù. Sau khi được thả tự do, ông Kim trở thành công dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, đối với ông, Hàn Quốc chưa bao giờ là nhà.
"Cuộc sống trong tù thật sự rất khó khăn. Ở xã hội Hàn Quốc, anh phải thay đổi ý thức hệ của mình. Nhưng vì tôi nói tôi sẽ không bao giờ thay đổi tư tưởng, họ tra tấn tôi vì bất kỳ lý do nào dù là nhỏ", ông Kim kể lại.
'Đất nước chia rẽ là một điều tồi tệ'
Ông Kim Young-sik là một trong 19 cựu điệp viên Triều Tiên đang sống ở Hàn Quốc và muốn trở về quê nhà. Chuỗi các hội nghị thượng đỉnh gần đây liên quan đến Triều Tiên có lẽ là niềm hy vọng duy nhất của họ.
Dù đã gần 90 tuổi, ông Kim vẫn hăng say và minh mẫn, giảng về chủ nghĩa Mác-xít. Niềm tin vào lý tưởng của ông vẫn rất mạnh mẽ.
"Nếu anh tới khu vực biên giới, anh sẽ thấy họ dựng hàng rào dây thép gai dọc theo đường biên. Chúng tôi là người dựng lên những hàng rào dây thép gai đó ư? Các thế lực nước ngoài mới là kẻ gây chia rẽ, xây hàng rào và ngăn chúng tôi tự do đi lại", ông Kim bức xúc.
"Làm thế sao mà anh có thể nói đó là điều tốt? Ngay cả khi tôi chết, tôi sẽ luôn luôn nói đó là điều khủng khiếp," ông nói về thỏa thuận đình chiến ký kết năm 1953, dẫn đến việc thành lập khu phi quân sự phân chia bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim cũng cho rằng các thế lực nước ngoài khiến hai miền Triều Tiên chiến đấu chống lại nhau. "Vì thế chúng tôi mới tạo ra vũ khí hạt nhân. Nếu họ đối xử tốt với chúng tôi và giúp chúng tôi, chúng tôi chế tạo ra vũ khí hạt nhân để làm gì?"
'Tôi muốn được chôn ở chốn đó'
|
Yang Soon-gil (giữa, đội mũ trắng) biểu tình bên ngoài Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Ảnh: BBC. |
Đứng biểu tình bên ngoài Bộ Thống nhất Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, cùng ông Kim còn có ông Yang Soon-gil. Nóng lòng trở về Triều Tiên, họ mong muốn trường hợp của họ được đưa vào các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai miền. Dù không nhận được bất cứ phản hồi nào từ Bộ Thống nhất, hai người đàn ông vẫn tràn đầy hy vọng.
Yang Soon-gil cũng thỉnh cầu chính quyền Hàn Quốc để ông đến Triều Tiên mặc dù Triều Tiên thực chất không phải là quê hương của ông.
Sau thỏa thuận ngừng bắn giữa hai miền Triều Tiên được ký kết, ông Yang thực hiện một chuyến đi đến Bình Nhưỡng với anh trai. Về mặt kỹ thuật hai miền vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và Hàn Quốc cấm công dân đặt chân tới miền Bắc. Khi quay trở về, ông Yang bị bắt vì vi phạm luật an ninh quốc gia.
Dù cố gắng phân trần mình không phải là gián điệp, ông Yang vẫn lĩnh án 37 năm tù. Hiện vợ và gia đình ông Yang đều ở Hàn Quốc nhưng nếu có cơ hội, ông cho biết sẽ rời bỏ người thân để tới sống ở Triều Tiên. Ông tỏ ra ngạc nhiên khi biết nhiều người đào tẩu Triều Tiên khao khát tìm cách đưa người nhà tới Hàn Quốc. "Tôi không thể hiểu nổi tại sao họ làm vậy", ông Yang cảm thán.
"Nhà là nơi tôi đặt niềm tin của mình. Tôi muốn sống ở một nơi chia sẻ lý tưởng của tôi. Tôi muốn được chôn cất ở chốn đó," ông nói. "Một người đàn ông nên làm chủ suy nghĩ và tuân thủ nguyên tắc do bản thân đặt ra và thực hiện chúng với một niềm tin sắt đá", ông Yang kiên quyết. "Tôi là một người cộng sản tự nguyện và tôi càng vững tin khi vào tù".
Theo VNE