Chính quyền Sri Lanka đã quyết định dời căn cứ hiện đóng tại quận Galle – vốn là điểm thu hút du lịch - tới ngôi nhà mới cách đó 125km dọc bờ biển phía Nam nước này ở cảng Hambantota, tức gần tuyến đường biển chính yếu giữa châu Á và châu Âu hơn.
Cảng Hambantota luôn trong tình trạng vắng vẻ. Ảnh: Bloomberg |
Cảng nước sâu trị giá 1,5 tỉ USD này dường như đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh và đang do Công ty China Merchants Port Holdings của Trung Quốc thuê 99 năm với giá 1,1 tỉ USD.
Các nguồn tin chính phủ và ngoại giao Sri Lanka nói rằng Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể dùng cảng này làm căn cứ hải quân.
Tuy nhiên, chính phủ Sri Lanka và Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo phủ nhận mối lo ngại này, khẳng định rằng thỏa thuận thuê cảng này có bao gồm một điều khoản nêu rõ không dùng cảng với mục đích quân sự.
"Sri Lanka đã thông tin Trung Quốc rằng không thể dùng cảng Hambanto cho mục đích quân sự"- văn phòng của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên bố.
Tuyên bố cho biết thêm: "Bởi an ninh của cảng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của hải quân Sri Lanka, không có gì cần phải lo sợ".
Công nhân chuẩn bị gia cố thép tại dự án One Galle Face do công ty China Harbour Engineering của Trung Quốc thực hiện tại Colombo. Đây cũng là một dự án thuộc BRI. Ảnh: Bloomberg |
Theo người phát ngôn hải quân Sri Lanka Dinesh Bandara, một đơn vị hải quân đã được thiết lập ở Hambantota và hoạt động xây dựng để chuyển đổi cảng này thành căn cứ hải quân đang được tiến hành.
Tuy vậy, hoạt động thương mại èo uột tại cảng nước sâu 8 năm tuổi này đang càng củng cố những ý kiến cho rằng nó đơn giản chỉ phục vụ lợi ích chiến lược lớn hơn của Trung Quốc.
Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa là người đã chủ trương đón nhận dự án này của Trung Quốc, vay tiền của nền kinh tế số 2 thế giới để đổ vào quận Hambantota quê nhà của ông, trong đó có xây dựng một sân bay quốc tế mới hiện mỗi ngày chỉ có một chuyến bay!
Theo NLĐ