|
Gần tháng nay, người dân Phú Mỹ Hưng (quận 7), Bình Chánh, Nhà Bè, quận 4 đồng loạt “kêu trời” vì bị mùi hôi thối tấn công. Người dân cho rằng mùi hôi chỉ ngửi đã “muốn long óc” này xuất phát từ hướng bãi rác Đa Phước.
‘Chúng tôi thật thảm thương’
Những ngày đầu tháng 7, TP.HCM liên tiếp đón nhận những cơn mưa vào cuối ngày, gió Tây Nam hoạt động mạnh thổi những mùi hôi thối lan tới Phú Mỹ Hưng và những khu vực lân cận.
Những căn hộ có mặt tiền hướng Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mùi hôi thối xộc vào từng căn hộ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Việc buôn bán của của họ cũng vì vậy mà ế ẩm.
|
Người dân cho rằng mùi hôi thối bắt nguồn từ bãi rác Đa Phước. |
Chị Nguyễn Hồng Thu, 43 tuổi, chung cư Green Valley nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), cho biết mùi hôi thối làm chị như “muốn long óc”.
Phú Mỹ Hưng được đánh giá là khu đô thị văn minh, người dân sống ở đây phải trả rất nhiều tiền để sử dụng các dịch vụ tiện ích và giá nhà cũng đắt đỏ. Chị Thu cho biết mình mua căn hộ này được gần 3 năm với giá gần 4 tỷ đồng.
Chị từng nghĩ, cuộc sống ở đây sẽ giúp gia đình mình hạnh phúc, con cái được hưởng những tiện ích văn minh. Thế nhưng, cứ đến tháng 6 hàng năm, gió Tây Nam thổi mùi hôi thối từ hướng bãi rác Đa Phước về khiến gia đình chị Thu không thể chịu nổi. Chị chỉ biết đối phó bằng cách đóng kín cửa. Những lúc không thở được, gia đình chị phải rời nhà đi xa, tránh những mùi kinh khủng.
Viết nhật ký mùi hôi
Chị Nguyễn Thu Huyền (45 tuổi) ở khu biệt thự lâu đài Chateau trong Phú Mỹ Hưng, nơi có giá hàng triệu USD/căn, cho biết những năm trước, mùi hôi chỉ xuất hiện vào ban đêm hay sau những trận mưa. Tuy nhiên, hiện tại mùi hôi này xuất hiện vào mọi thời điểm trong ngày.
Theo chị Huyền, ngoài không khí ô nhiễm, ngột ngạt, người dân khu Nam Sài Gòn còn lo ngại vấn đề sức khỏe. Mới đây, chị ngạt mũi không thở được. Khi đi khám thì không phát hiện bệnh. Bác sĩ cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng của chị Huyền là không khí bị ô nhiêm.
|
Dân Nam Sài Gòn viết nhật ký mùi hôi trên Facebook. Ảnh: Chụp màn hình. |
“Hít phải mùi hôi thối không phải ngày một, ngày hai là bị bệnh liền mà có thể 5 hay 10 năm sau mới bùng phát. Tôi giờ chắc cho con cái đi học nước ngoài để có làm sao thì chỉ có ba mẹ ở nhà chịu trận”, chị Huyền chia sẻ.
Khổ sở vì mùi hôi thối, người dân Nam Sài Gòn đã lập fanpage “Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” để kết nối cộng đồng, cùng chung tay góp tiếng nói phản ánh mùi hôi quanh khu vực dân cư mình sinh sống.
Group nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người dân Phú Mỹ Hưng, Nhà Bè, Bình Chánh và các quận 4, 5, 8. Các thành viên xem đây như nhật ký, liên tiếp cập nhật những bài viết, liệt kê những nơi xuất hiện mùi lạ, làm cơ sở để phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Giữa năm 2016, mùi hôi thối xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở Phú Mỹ Hưng và khu vực Nam Sài Gòn. Người dân liên tục phản ánh và gửi đơn kêu cứu nhiều nơi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó có ý kiến chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm tại quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời, đề xuất phương án giải quyết.
TP.HCM sau đó đã có kết luận mùi hôi phát sinh tại khu vực ô chôn lấp đang tiếp nhận rác và khu vực hồ chứa nước thải nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS).
Tháng 4/2018, Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM) do Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) làm chủ đầu tư.
Theo đó, 2 nội dung tố cáo đúng là dự án gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại tái chế. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong thời gian vận hành Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, từ năm 2007 đến nay, VWS có nhiều biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong từng thời điểm đã để xảy ra phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Theo Zing