Khi lần đầu mời Trung Quốc tham gia tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2014, Mỹ hy vọng Bắc Kinh sẽ ngừng quân sự hóa Biển Đông và không tham gia chạy đua sức mạnh quân sự với các cường quốc. 4 năm sau, hai mục tiêu này đều không đạt được và không quá bất ngờ khi Washington rút lại lời mời Bắc Kinh tham gia RIMPAC 2018, theo USNI.
Chuyên gia Bryan Clark từ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CBSA) của Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đã phải cân nhắc rất kỹ khi mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014. "Sự xuất hiện của Trung Quốc tại RIMPAC mang theo rủi ro lớn, đặc biệt là khả năng nước này thu thập tin tức tình báo", ông nói.
Tuy nhiên, niềm hy vọng rằng sau khi tham gia tập trận cùng các cường quốc hải quân trên thế giới, Trung Quốc sẽ chấm dứt các hành vi khiêu khích trên Biển Đông là ưu tiên lớn, lấn át lo ngại về rủi ro khi để hải quân Trung Quốc theo dõi các loại vũ khí và chiến thuật tại RIMPAC 2014.
Hải quân Trung Quốc triển khai 5 tàu tới RIMPAC 2014, trong đó 4 chiếc được mời, một tàu do thám không có trong danh sách. Chuyên gia Clark đánh giá việc mời lãnh đạo hải quân Trung Quốc quan sát hoạt động tác chiến hiện đại của Mỹ dường như chỉ khiến họ quyết tâm cải thiện năng lực quân sự, cũng như cải tạo các đảo nhân tạo phi pháp để chứa tên lửa, radar và trang thiết bị quân sự.
"Trung Quốc đang phát triển các năng lực hiện đại, vì thế việc mời họ tham gia tập trận RIMPAC không có tác dụng ngăn chặn hay thay đổi hành vi", Clark nói. Điều đó khiến những hy vọng ban đầu của giới chức quân sự Mỹ về sự thay đổi hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông đã biến thành nỗi thất vọng lớn.
Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc tại RIMPAC 2014. Ảnh: USNI. |
Đầu tuần trước, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên biển. Chiếc Type-001A vẫn dựa trên thiết kế tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga, nhưng giới phân tích đều cho rằng hàng không mẫu hạm tiếp theo của Bắc Kinh sẽ trang bị máy phóng và cáp hãm đà chạy bằng hơi nước.
"Họ đang phát triển một thiết kế hoàn toàn mới, nằm giữa lớp Kuznetsov và Nimitz", chuyên gia Clark đánh giá. Tàu sân bay tương lai của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vận hành được nhiều máy bay lớn, vốn không thể cất hạ cánh trên các hàng không mẫu hạm hiện nay. Trung Quốc được cho là đang phát triển một loại phi cơ cảnh báo sớm (AWACS) để phục vụ cho hoạt động tác chiến không quân tầm xa.
Trung Quốc cũng đang tiếp tục mở rộng các căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Hải quân Mỹ thường cử tàu chiến tuần tra, áp sát các đảo này để thực thi quyền tự do hàng hải.
"Chúng tôi rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2018 để phản ứng trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Washington có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã triển khai tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và hệ thống gây nhiễu điện tử trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Việc oanh tạc cơ Trung Quốc hạ cánh tại đảo Phú Lâm cũng làm gia tăng căng thẳng", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan tuyên bố.
Lầu Năm Góc cho rằng các hoạt động này là "sự vi phạm cam kết không quân sự hóa Trường Sa mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khi đến thăm Mỹ".
Các tàu chiến tham gia RIMPAC 2018. Ảnh: US Navy. |
"Với việc loại Bắc Kinh khỏi RIMPAC 2018, Mỹ đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc đang đứng ngoài thông lệ quốc tế", giáo sư Carl Schuster từ Đại học Thái Bình Dương Haiwaii nêu quan điểm. Ông nhấn mạnh rằng chính quyền cựu tổng thống Barack Obama mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 sau khi Chủ tịch Tập cam kết không quân sự hóa Biển Đông.
"Việc rút lại lời mời Trung Quốc là đòn giáng mạnh về mặt ngoại giao, cho thấy Mỹ không tin họ. Điều này giúp Bắc Kinh hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả ngoại giao và kinh tế nếu tiếp tục gây hấn ở Biển Đông", chuyên gia Schuster nhấn mạnh.
Theo VNE