|
Nhiều diện tích trồng bắp ở Đồng Tháp bị ngập sâu. |
Nhiều ngày qua, nước từ thượng nguồn sông Mekong sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đổ về kết hợp với triều cường dâng cao.
Rầu rĩ nhìn về ruộng dưa 4.000m2 ngập lênh láng, anh Nguyễn Văn Dợt, ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) than vãn: "Lũ về sớm và lên quá nhanh. Nước ngập mấy tấc như thế này thì nhà tôi mất trắng". Chỉ về phía bờ ruộng lở, anh Dợt nói khi lũ mới về, vợ chồng anh đã cố đắp bờ, nhưng nước liên tục dâng khiến cả hai không thể cầm cự.
Không chỉ riêng anh Dợt, hàng nghìn nông dân An Giang đang trồng lúa và hoa màu trên những cánh đồng giáp ranh biên giới Campuchia, thuộc các huyện An Phú, Tịnh Biên, TP.Châu Đốc, thị xã Tân Châu cũng đang chịu cảnh mất trắng do nước nước lũ nhấn chìm.
Tại Đồng Tháp, nhiều người sinh sống trên các cồn ở sông Tiền (huyện Hồng Ngự) không kịp trở tay khi nước lũ đổ về. Bà Lê Thị Muội (42 tuổi) nói rằng, những năm trước khi lũ lên thì toàn bộ hoa màu của người dân đã thu hoạch xong. "Nhưng năm nay nước về sớm khoảng 10 ngày làm chúng tôi không kịp trở tay", bà chép miệng. Chỉ vào đống sắn mới thu hoạch, bà Muội nói như mếu: "Mấy công sắn nhà tui bị ngập úng, hư hỏng, thương lái không thu mua".
Tại Long An, mấy ngày qua, người dân ở Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng) - một xã vùng trũng Đồng Tháp Mười - đang gia cố đê bao, tháo nước ra ngoài để bảo vệ hơn 1.000 ha lúa hè thu sắp thu hoạch.
"Mỗi ngày nước lũ lên 5-7 cm, do hệ thống đê bao tại xã chưa hoàn thiện, nên bà con phải thu hoạch hàng chục ha lúa khi còn xanh, khiến năng suất giảm khoảng 30%", ông Võ Hùng Kiệt - Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng cho biết.
Không chỉ giảm năng suất, giá lúa cũng bị rớt theo. "Trước mùa vụ, các thương lái đã đến ruộng để đặt cọc mua lúa. Nhưng do thu hoạch khi lúa còn non nên bị giảm 1.000 đồng mỗi kg", nông dân Nguyễn Văn Đông than vãn.
Ngoài ra, theo người dân, việc gia cố đê bao, dùng máy bơm nước rút khỏi ruộng cũng đội thêm chi phí khoảng một triệu đồng mỗi ha, nên đa phần nông dân vụ này đạt lợi nhuận thấp.
Nước lũ 'diễn biến phức tạp'
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn diễn biến phức tạp. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (An Giang) đang lên.
Cơ quan khí tượng đo đạt, ngày 29/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,38m. Đến 30/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền 2,97m; trên sông Hậu là 2,47m.
|
Người dân đầu nguồn miền Tây thu hoạch lúa non chạy lũ. |
Tiến sĩ Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Khoa học thủy lợi miền Nam lý giải, sạu sự cố vỡ đập ở Lào, nước lũ đổ về các hồ đập ở Campuchia. Một số hồ chứa ở khu vực này xả lũ, kết hợp với mưa khiến mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long dâng cao. "Tuần này lượng mưa ở Lào giảm so với tuần trước, tuy nhiên nước lũ vẫn tiếp tục tăng nhanh", ông Hoằng nhận định.
Còn ông Lê Khương Bình - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp cho biết, nước lũ đầu nguồn miền Tây lên nhanh, khoảng 7-10 cm mỗi ngày. Ngoài mưa lớn kết hợp và sự cố vỡ đập ở Lào, nước lên còn do triều cường dâng cao. "Trong vài ngày tới, lũ tiếp tục lên nhưng cường xuất giảm lại, tăng khoảng 5-8 cm mỗi ngày", Giám đốc cơ quan khí tượng nói.
Dự báo, đến giữa tháng 8, đỉnh lũ đạt báo động 1 (trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 3,5 m; sông Hậu tại Châu Đốc là 3 m). "Các vùng ngoài đê bao ở đầu nguồn tiếp tục bị lũ uy hiếp; chính quyền địa phương và người dân cần chủ động thu hoạch sớm lúa và hoa màu để giảm thiệt hại", ông Bình khuyến cáo.
Theo ông Võ Kim Thuần - Trưởng chi cục Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, năm nay cường suất lũ tăng nhanh hơn năm trước. "Mực nước lũ đầu tháng 8 của các huyện đầu nguồn có thể cao hơn 0,2-0,3 m so cùng kỳ", ông Thuần nhận định.
Để đối phó với lũ, các tỉnh chịu ảnh hưởng đã chỉ đạo gia cố đê, bờ bao, bơm rút nước để cứu lúa, hoa màu, đồng thời xem xét hỗ trợ người dân bị ngập úng ở các vùng được nhà nước cho chủ trương xuống giống.
|
Gia cố đê bao chống lũ ở huyện đầu nguồn Tân Thạnh, tỉnh Long An |
Ngày 31/7, tại cuộc họp về Ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, sau sự cố vỡ đập ở Lào, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tính toán và đưa ra nhận định nước lũ tăng lên không đáng kể. Nhưng sau đó, mưa thượng nguồn và triều cường lên khiến nước lũ tăng nhanh bất thường. Do vậy, hiện không thể tính toán được lượng nước từ đập thủy điện ở Lào đổ về khu vực. Để đối phó với lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến chính quyền, người dân, doanh nghiệp, nhất là vùng thấp chủ động phòng tránh, điều chỉnh sản xuất; cảnh báo và di dời dân ở khu vực sạt lở đến nơi an toàn. |
Theo VNE