Trung Quốc bố trí trái phép tàu cứu hộ thường trực ở Trường Sa

Thứ ba, 31/07/2018, 16:27
Tàu Nan Hai Jiu 115 lần đầu tiên đóng tại đá Subi, một trong 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tàu Nan Hai Jiu 115 trong một lần ra biển năm 2010. Ảnh: NH Rescue.

"Tàu cứu hộ Nan Hai Jiu 115 dự kiến có mặt tại đá Subi vào ngày 30/7. Đây là lần đầu tiên lực lượng cứu hộ Trung Quốc đóng quân thường trực tại quần đảo Trường Sa, giúp cải thiện khả năng thực hiện các chiến dịch cứu nạn ở khu vực này", Xinhua dẫn lời Wang Zhenliang, giám đốc Cục tìm kiếm cứu hộ thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc, cho biết.

Nan Hai Jiu 115 được trang bị bãi đáp đủ sức tiếp nhận trực thăng hạng trung. Wang biện minh rằng việc triển khai tàu sẽ giúp Bắc Kinh "hoàn thiện trách nhiệm cứu nạn trên biển theo các hiệp định quốc tế".

Quan chức Bộ Giao thông Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tiếp tục đóng các tàu cứu hộ lớn, có tầm hoạt động rộng và được trang bị nhiều công nghệ tối tân. Bắc Kinh cũng sẽ triển khai nhiều trực thăng với tính năng cứu hộ hiện đại trong thời gian tới.

Subi là đảo nhân tạo lớn nhất trong 7 đảo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khoảng 400 công trình được dựng lên tại Subi kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu hoạt động bồi đắp, cải tạo trái phép vào năm 2014. Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều sân bóng rổ được xây dựng san sát, cùng các sân tập đội ngũ và nhiều tòa nhà khác nhau, một số được gắn đài radar.

Ảnh vệ tinh các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam được chụp hôm 20/3. Ảnh: Reuters.

Vài năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo VNE

Các tin cũ hơn