|
Sau 4 năm tổ chức, kỳ thi THPT Quốc gia bắt đầu bộc lộ những kẽ hở tại khâu chấm thi. (Ảnh minh họa) |
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tại buổi gặp gỡ giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường ĐH, THPT, ngày hôm qua 30/7 liên quan đến những vấn đề của thi THPT Quốc gia.
Dự kiến buổi gặp gỡ, trao đổi sẽ kết thúc cuối buổi sáng nhưng đã kéo dài đến tận 5h30 chiều với hàng chục phát biểu của các chuyên gia về ưu, nhược điểm, những vấn đề cần khắc phục sau kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong đó nổi lên 3 vấn đề lớn nhất đó là chất lượng đề thi; phần mềm chấm thi; quy chế, quy trình kỹ thuật thực hiện.
Trao đổi với PV, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị, trường ĐH FPT cho biết hiện nay, kỳ thi THPT Quốc gia thực hiện hai mục tiêu nhưng cả hai mục tiêu đó đều lửng lơ. Vì nếu để xét tốt nghiệp thì kết quả của kỳ thi chỉ có trên 47% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Nhưng thực tế, cả nước có trên 97% thí sinh tốt nghiệp. Vì vậy, kết quả tốt nghiệp phần lớn dựa vào kết quả học THPT 3 năm.