Chiêu trò mới của Trung Quốc ở Trường Sa

Thứ tư, 01/08/2018, 09:21
Giới quan sát quốc tế vạch rõ mưu đồ của Trung Quốc khi triển khai phi pháp tàu cứu hộ đến đồn trú thường trực tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tàu Nam Hải Cứu 115 của Trung Quốc

Theo Tân Hoa xã, tàu tìm kiếm cứu hộ Nam Hải Cứu 115, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung, đã đến neo đậu thường trực ở đá Xu Bi, một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp. Động thái này đánh dấu bước leo thang mới theo sau hàng loạt hoạt động xây dựng phi pháp và quân sự hóa của Bắc Kinh ở khu vực, ngang nhiên vi phạm chủ quyền không thể chối cãi của VN đối với Trường Sa và Hoàng Sa.

Trả lời PV, các chuyên gia cảnh báo dù có thật sự phục vụ hoạt động tìm kiếm và cứu hộ (SAR) đi nữa, sự hiện diện của con tàu cũng nhằm phục vụ ý đồ lớn hơn của Trung Quốc. Theo chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ((RSIS, Singapore), nếu Bắc Kinh can thiệp vào các tình huống trên biển dưới danh nghĩa cung cấp dịch vụ tìm kiếm và cứu hộ thì vấn đề trong vùng biển tranh chấp sẽ càng thêm khó lường. Việc Trung Quốc cho tàu Nam Hải Cứu 115 neo đậu lâu dài một cách phi pháp tại Xu Bi nhằm phục vụ 2 mục tiêu.

Thứ nhất là nâng cao sự hiện diện ở Biển Đông và thứ hai là sử dụng các cơ sở phi pháp để cung cấp dịch vụ công cho tàu bè các nước, qua đó đánh lạc hướng và xoa dịu quan ngại về quá trình quân sự hóa của nước này trong khu vực. “Mục tiêu lâu dài nữa có thể là dọn đường cho những đợt triển khai khí tài khác trong tương lai”, ông Koh nhận định.

Tương tự, nhà nghiên cứu Richard A Bitzinger cũng thuộc RSIS, phân tích với PV: Chắc chắn nếu tàu dân sự lẫn quân sự của Trung Quốc gặp vấn đề trên Biển Đông thì tàu Nam Hải Cứu 115 sẽ đến hỗ trợ. Như vậy có nghĩa là tàu hải quân và bán quân sự nước này có thêm hậu thuẫn trong các hành động “thực thi chủ quyền”. Thậm chí, dù là tàu cứu hộ nhưng Nam Hải Cứu 115 hoàn toàn có thể hoạt động như tàu tuần tra. “Đây là công cụ mới phục vụ ý đồ của Trung Quốc biến Trường Sa thành lãnh thổ của mình”, ông Bitzinger cảnh báo.

Bên cạnh đó, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines, cho rằng thông qua tiến hành hoạt động SAR ở Biển Đông, Trung Quốc muốn chứng minh nước này “đang quản lý Trường Sa một cách hiệu quả và bình thường”. “Trung Quốc sẽ dựa vào đó để lập luận họ đang thực thi chủ quyền và một số quyền khác trên Biển Đông. Tất cả điều này nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền và gia tăng sự hiện diện ở Trường Sa”, chuyên gia này nói.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn