|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã nắm trong tay quyền lực tuyệt đối khi Quốc hội xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của ông vào đầu năm nay. Nhưng chỉ vài tháng sau, Trung Quốc liên tiếp hứng chịu nhiều sóng gió, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, cuộc đối đầu thương mại với Mỹ nổ ra và gần đây nhất là vụ bê bối vắc xin rởm, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về quyền lực của ông, theo NYTimes.
Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), giáo sư luật và luật hiến pháp tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Bắc Kinh, hồi tuần trước đăng trên website của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc một bài viết được cho là táo bạo nhất từ trước tới nay của giới học giả Trung Quốc phê bình các chính sách cứng rắn của ông Tập.
"Người dân cả nước, kể cả giới tinh hoa, một lần nữa cảm thấy mơ hồ về đường hướng quốc gia và về an ninh bản thân. Nỗi bất an đã lan tỏa thành một mức độ hoảng sợ khắp xã hội", giáo sư Hứa viết trên trang web của một trong những tổ chức tư vấn về chính sách kinh tế và dân chủ hiến định uy tín nhất Trung Quốc.
"Đây là bài viết rất mạnh mẽ", Jiang Hao, một nghiên cứu viên tại Viện Thiên Tắc, nhận xét. "Nhiều trí thức Trung Quốc có lẽ cùng chung suy nghĩ, nhưng họ không dám nói ra".
Trong bài viết của mình, giáo sư Hứa kêu gọi các đại biểu Quốc hội Trung Quốc xem xét lại việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch nước. Trong phiên họp hồi tháng 3, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành bãi bỏ quy định trong hiến pháp rằng chủ tịch nước chỉ được đảm nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp. Với quyết định này, ông Tập về lý thuyết có thể tiếp tục nắm quyền thêm một thập kỷ hoặc lâu hơn khi nắm giữ ba vị trí quan trọng nhất là Chủ tịch nước, Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đang phải chật vật đối phó với nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Mỹ, sau khi Bắc Kinh tung ra đòn đáp trả kiểu "ăn miếng trả miếng" với các gói áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhiều chuyên gia đối ngoại Trung Quốc cho rằng cuộc đối đầu thương mại kiểu "lưỡng bại câu thương" với chính quyền Trump có thể được kiềm chế nếu Bắc Kinh có cách hành xử linh hoạt hơn và giảm bớt giọng điệu hiếu thắng của mình.
"Trung Quốc cần biết tiết chế hơn khi xử lý các vấn đề quốc tế", Jia Qingguo, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Peking, tuyên bố trong một hội thảo gần đây ở Bắc Kinh. "Đừng tạo ra bầu không khí rằng chúng ta sắp vượt mặt Mỹ đến nơi".
Ông Tập hôm qua đã phải triệu tập một cuộc họp Bộ Chính trị nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với tình hình kinh tế và thương mại. "Nền kinh tế vẫn ổn nhưng đang phải đối mặt với những vấn đề và thách thức mới, trong khi môi trường bên ngoài đang có những chuyển biến rõ rệt", Bộ Chính trị Trung Quốc kết luận, theo Xinhua.
Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tìm cách đối phó với sức ép thương mại khổng lồ từ phía Mỹ, một cơn sóng ngầm trong nước trỗi dậy khi bê bối sản xuất vắc xin rởm của công ty Trường Sinh bị phanh phui, làm dấy lên nỗi giận dữ trong dư luận, nhất là khi chính phủ từng cam kết sẽ xử lý triệt để vấn đề sau những vụ việc tương tự trước đây.
Đây là cuộc khủng hoảng thứ ba ở Trung Quốc liên quan đến vắcxin từ năm 2010, khiến nhiều người đổ vỡ niềm tin vào nền dược phẩm nội địa và châm ngòi cho làn sóng phản ứng quyết liệt trong tầng lớp trung lưu với những cam kết của chính phủ.
Nhiều chuyên gia đối ngoại và quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng những biến cố gần đây đã khiến giới trí thức, cựu quan chức và tầng lớp trung lưu ngày càng hoài nghi về các chính sách cứng rắn của ông Tập. Một cựu quan chức Trung Quốc giấu tên nói rằng nhiều đồng nghiệp cũ của ông đã chia sẻ bài viết của giáo sư Hứa trên mạng xã hội.
|
Hình ảnh ông Tập và các cựu lãnh đạo Trung Quốc tại một triển lãm ở Bắc Kinh cuối năm 2016. Ảnh: AP. |
Cựu quan chức này cùng nhiều người khác cho rằng nếu Bắc Kinh không có những điều chỉnh kịp thời, những hoài nghi như vậy theo thời gian sẽ lớn dần lên và làm suy giảm quyền lực của ông Tập, khiến các quan chức cấp cao trong chính quyền đặt câu hỏi về quyết sách của ông.
"Vài tuần gần đây, các dấu hiệu về nỗ lực manh nha phản đối quyền lực tuyệt đối của ông Tập đã bắt đầu xuất hiện", Richard McGregor, chuyên gia cấp cao tại Viện Lowy ở Australia, cho biết, đồng thời cảnh báo nó có thể gây ra tình trạng bất ổn và tê liệt chính sách.
Một số dấu hiệu cho thấy sức ép từ căng thẳng thương mại và những lời phê bình trong nước đã khiến chính quyền của ông Tập có những bước đi nhằm xoa dịu dư luận. Một loạt bài viết trên tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mỉa mai những học giả mạnh miệng tuyên bố rằng Trung Quốc đã trở thành siêu cường công nghệ vượt mặt Mỹ, đồng thời cảnh báo truyền thông về việc thổi phồng sức mạnh Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thể hiện các dấu hiệu cho thấy việc giảm bớt ca ngợi ông Tập, sau khi giáo sư Hứa cho rằng cần phải "hãm phanh" những hoạt động tuyên truyền mang tính sùng bái cá nhân như những gì từng diễn ra thời Cách mạng Văn hóa.
Nhà chức trách Trung Quốc từ giữa tháng 7 đã bắt đầu gỡ bỏ nhiều ảnh chân dung của ông Tập tại Bắc Kinh, dường như để làm giảm bớt những lo ngại về chủ nghĩa sùng bái cá nhân trước thềm hội nghị thường niên Bắc Đới Hà sắp diễn ra, theo Nikkei. Đây là hội nghị nơi các lãnh đạo đương chức và về hưu của Trung Quốc thảo luận các quyết sách quan trọng nhất của quốc gia.
|
Một áp phích có ảnh ông Tập tại Bắc Kinh trong dịp diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017. Ảnh: Nikkei. |
Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và một số lãnh đạo lão thành được cho là đã gửi một lá thư dài cho ông Tập, hối thúc ông xem xét lại chính sách kinh tế và ngoại giao của mình. Nikkei cho hay có nhiều thông tin từ nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc rằng ông Tập sẽ thể hiện lòng tôn trọng hơn đối với các cựu lãnh đạo từng thực hiện công cuộc cải cách ở Trung Quốc và biến nước này thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Vẫn còn quá sớm để nói rằng những lời phê bình như vậy có thể tác động đến giới lãnh đạo Trung Quốc, nhưng điều thú vị là đã có một số chấn chỉnh trong giọng điệu chính sách đối ngoại của nước này", Susan Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 thuộc Đại học California, nhận định. "Điều đó chứng tỏ giới lãnh đạo Trung Quốc luôn có khả năng tự điều chỉnh, ít nhất là ở cấp độ ngôn từ".
Theo VNE