"Khóc, cười" với quy định cấm xe tải mới ở TP.HCM

Thứ bảy, 04/08/2018, 10:27
Trong khi chủ doanh nghiệp xe tải nặng và những người di chuyển ở các cung đường ra vào nội đô TP.HCM cảm thấy hài lòng thì các chủ xe tải nhẹ lại than trời

Từ ngày 1-8, quy định mới đã cấm xe tải dưới 2,5 tấn vào khu vực trung tâm TP.HCM từ 6 giờ đến 9 giờ, tăng 1 giờ so với trước; trong khi thời gian cấm xe tải nặng được rút xuống 2 giờ, từ 6 giờ đến 22 giờ. Quy định mới không áp dụng đối với các loại ôtô thuộc quân đội, công an, xe phòng cháy - chữa cháy, xe bán tải cùng một số loại khác như xe của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ…

Người "dễ thở"...

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, cho biết trước đây, thời gian cấm đối với các loại xe trọng tải lớn vào khu trung tâm TP.HCM là từ 6 giờ đến 0 giờ mỗi ngày nên việc vận chuyển hàng hóa, nhất là vật liệu xây dựng cho các công trình, chịu áp lực rất lớn. Nhiều doanh nghiệp phải cho xe đậu trước ở các tuyến đường vành đai, chờ hết thời gian cấm thì lập tức vào khu trung tâm để còn kịp chạy thêm chuyến hàng nữa khiến nhiều thời điểm kẹt xe lúc nửa đêm. Trong khi đó, thời gian từ 22 giờ tới 0 giờ, lượng phương tiện trên các tuyến đường ở khu trung tâm TP.HCM đã khá thưa thớt nên việc cho xe tải nặng được phép lưu thông là phù hợp.

Hai con đường huyết mạch ra vào trung tâm TP.HCM là đường Cộng Hòa và đường Cách Mạng Tháng Tám vào giờ cao điểm sáng đã không còn cảnh ùn tắc

"Việc giãn thời gian cấm đối với xe tải, xe container… giúp doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tốt hơn. Đặc thù của những xe này là vận chuyển hàng hóa cỡ lớn, chở vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm nên cũng giúp thời gian thi công được rút ngắn. Quy định này thực sự khiến chúng tôi rất hài lòng" - ông Lâm Đại Vinh bày tỏ.

"Nếu như các doanh nghiệp vận tải chuyên xe tải nặng sướng 1 thì tụi tôi sướng tới 10" - anh Nguyên Lâm (ngụ chung cư Sơn Kỳ 1, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) so sánh. Theo anh Lâm, 2 buổi sáng vừa rồi là 2 buổi đi làm "dễ thở" nhất của anh suốt 3 năm qua. "Trước khi có lệnh cấm này, ngày nào tôi cũng bị "sa lầy" trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình vì xe tải từ hàng loạt đường ngang của cung đường trên đua nhau tỏa ra khi kim đồng hồ điểm 8 giờ, ùn tắc theo đó kéo đến. Bây giờ, đến 8 giờ 30 phút, xe cộ vẫn cứ vô tư lướt. Vậy sao không thích" - anh Lâm khẳng định.

Không chỉ con đường Cộng Hòa, 8 giờ ngày 2-8, nếu đi suốt con đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) hay Cách Mạng Tháng Tám (kéo dài từ quận Tân Bình qua quận 3 và quận 1), không ít người sẽ phải bất ngờ trước cảnh đường sá không còn xe cộ chen nhau nhích từng chút, thay vào đó là dòng xe tương đối thoải mái lưu thông.

... Kẻ than khó

Ngược lại, theo một số doanh nghiệp và chủ xe tải nhẹ, việc tăng thêm giờ cấm đối với loại hình này gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của họ, đặc biệt là đối với các đơn vị nhỏ lẻ, kinh doanh theo hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ quận Thủ Đức), chủ 3 xe tải nhẹ, than rằng sau 2 ngày quy định mới có hiệu lực, ông phải thay đổi thời gian hoạt động và bị hủy nhiều hợp đồng chở hàng. Lý do, theo ông Hoàng, việc giao nhận hàng hóa tập trung chủ yếu ở thời điểm các cửa hàng, công ty bắt đầu làm việc. Trước đây, thời gian cấm xe tải nhẹ là từ 6 giờ đến 8 giờ nhưng các chủ xe vẫn sắp xếp được việc giao nhận hàng hóa khi hết thời gian này, tức đến khoảng 9-10 giờ là thời điểm hoạt động hiệu quả. "Việc tăng thêm 1 giờ cấm đã làm giảm số lần giao nhận hàng, đồng nghĩa với việc doanh thu giảm sút" - ông Hoàng phân tích.

Theo ông Hoàng, nếu vận chuyển hàng hóa vào thời điểm rạng sáng, trước giờ cấm xe, thì sau đó phải cho xe ngưng chạy và tìm bãi đỗ tạm để chờ trong 3 giờ. Tuy nhiên, việc đỗ xe là do bắt buộc chứ tài xế không có nhu cầu, vì vậy còn phát sinh cả chi phí này. "Trước đây, nhiều tài xế phải đậu liều dưới lòng đường chờ thời gian xe được phép di chuyển. Vì vậy, việc tăng thêm thời gian cấm, tình trạng trên có thể còn nhiều hơn" - ông Hoàng dự đoán.

Hàng loạt chủ cửa hàng bách hóa và đại lý bia, nước ngọt ở các quận 3, Phú Nhuận cũng đang than khó. Chị Nga, chủ cửa hàng bách hóa T.M trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), cho biết rằng 2 ngày nay, chị phải thức dậy từ 4 giờ để nhập hàng. "Đơn vị chuyên chở nói rằng phải nhập giờ này để họ còn đi giao vài chỗ khác cho kịp thoát ra khỏi nội đô trước 6 giờ. Nếu không chấp nhận thì phải nhập hàng lúc 10 giờ, mà nhập 10 giờ thì cản trở việc mua bán nên tôi phải chọn lúc sáng sớm. Giấc ngủ gia đình bị đảo lộn hoàn toàn" - chị Nga kể khổ.

Chỉ có chút "lăn tăn"

Ngành giao thông vận tải TP.HCM khẳng định việc này thực tế đã được bàn từ vài năm trước chứ không phải là đột ngột cấm. Các doanh nghiệp chuyên sử dụng xe tải nhỏ thực tế đã biết trước. Do đó chỉ xáo trộn thời gian đầu chứ không thể nói là tác động lâu dài.

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM, áp lực giao thông ở khu vực trung tâm TP đang tiếp tục gia tăng, khiến nguy cơ xảy ra ùn tắc ngày càng lớn. Trung bình mỗi tháng, số lượng phương tiện đăng ký mới trên địa bàn TP vào khoảng 30.000 xe. Theo thống kê từ năm 2015 tới nay, lượng xe tải đăng ký mới tăng đột biến. Bên cạnh đó, các loại hình như xe Grab từ lúc bắt đầu hoạt động, số lượng phương tiện gia tăng, cộng với thời gian hoạt động cũng không bị hạn chế nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông tại TP. Việc tiến hành cấm xe tải theo khung giờ mới là hoàn toàn hợp lý, hợp tình.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng việc tăng giờ cấm xe tải nhẹ, giảm giờ cấm xe tải nặng sẽ tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một chủ trương đúng vì cần phải hạn chế xe tải lưu thông vào khu trung tâm TP.HCM, đặc biệt là trong giờ cao điểm, để giảm ùn tắc.

"Ở đây chỉ có một chút "lăn tăn", đó là việc cho xe tải nặng vào nội đô lúc 22 giờ thì cần phải có những lực lượng chức năng chốt chặn tại các cung đường huyết mạch để bảo đảm xe chạy đúng với tốc độ cho phép" - các chuyên gia giao thông khuyến cáo.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích