Bộ ngành nào né tránh chống tham nhũng?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ - uỷ viên thường trực UB Tư pháp |
Đai biểu Nguyễn Thị Thuỷ - uỷ viên Thường trực UB Tư pháp dẫn báo cáo của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và yêu cầu cơ quan xây dựng báo cáo nêu địa chỉ cụ thể những bộ ngành, địa phương này.
Bà Thuỷ cũng phân tích, báo cáo chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế yếu kém, đứng đầu là một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.
Nhấn mạnh là nếu nói không có địa chỉ thì rất khó khắc phục, bà Thuỷ đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ làm rõ một số bộ ngành, cấp uỷ, chính quyền... chưa làm tốt là là bao nhiêu, thuộc địa chỉ cụ thể nào?
Trả lời câu hỏi này, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải thích chỉ rõ địa chỉ làm tốt và chưa tốt là hết sức khó vì mỗi bộ ngành, địa phương có đặc điểm khác nhau.
Ông Khái cho biết, vừa rồi đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế đưa ra thang điểm, bộ tiêu chí để đánh giá và hiện nay đang hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, để các địa phương thống nhất đánh giá rồi mới đưa ra kết quả được. Đây là việc khó. Còn đánh giá với bộ ngành thì đang nghiên cứu, làm tốt ở các tỉnh thì sẽ triển khai đến bộ ngành.
Câu hỏi khác nữ uỷ viên thường trực UB Tư pháp đặt ra, việc xác minh bản kê khai tài sản của các đối tượng chỉ dừng ở mức 44/1,1 triệu trường hợp đã kê khai.
Theo đại biểu Thuỷ thì kết quả 6/44 trường hợp xác minh có vi phạm là khá lớn, chiếm 13,6%. Vậy còn hơn 1 triệu người chưa xác minh thì đề nghị Tổng thanh tra đánh giá xem tỷ lệ vi phạm trong số đó lớn thế nào?
Phó Chủ tịch huyện xây nhà "khác thường", huyện uỷ mời giải trình
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời một số câu hỏi các đại biểu đặt ra |
Đồng tình với nhận định của đại biểu Thuỷ rằng tỷ lệ vi phạm là khá lớn, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) băn khoăn: “Hình như lẩn khuất đằng sau các bản kê khai tài sản rất nhiều vấn đề mà công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần quan tâm. Mới xác minh 44 có 6 sai phạm, vậy có bao nhiêu sai phạm trên tổng 1 triệu bản kê khai? Luật có quy định 4 nội dung cần xác minh, thẩm tra bản kê khai tài sản, trong đó có quy định mở là "trong trường hợp cần thiết". Vậy như thế nào là cần thiết”.
Ông Sơn kể: “Tôi nhớ những năm 90, Phó Chủ tịch UBND một huyện ở Đà Nẵng xây 1 cái nhà so với mặt bằng chung có hơi khác biệt và lập tức được thường vụ huyện uỷ mời lên giải trình. Có một chi tiết khi ba đồng chí đó hy sinh, mẹ đồng chí đi buôn bán bà được đồng nào đổ vàng đến khi gom lại thì đồng chí báo cáo cái mà mẹ cho tôi sau khi xây nhà xong còn chừng này”.
Từ câu chuyện này ông Sơn cho rằng Chính phủ cần có thái độ chủ động hơn, ví dụ, cơ quan điều tra thấy rằng có những biểu hiện bất minh thì lập tức có kiểm tra. Tại sao không đặt vấn đề khi có biểu hiện không bình thường về tài sản thì các cơ quan chủ động xác minh thay vì chờ đủ điều kiện rơi vào trường hợp luật quy định?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, xác minh tài sản, thu nhập phải coi là việc làm tự nhiên trên cơ sở phân loại và phân cấp.
Ví dụ, giám đốc sở có 100 công chức thì ông phải là người đi xác minh cán bộ thuộc cấp của ông. Còn ông Giám đốc sở, Phó Giám đốc sở thì UBND tỉnh phải là người đi xác minh.... Lên tới bộ trưởng hoặc phía trên nữa lại có cấp khác nữa.
Như thế xác minh là một quy trình tự động nhưng xác minh không phải để đăng báo hay làm những chuyện giật gân khác, xác minh để xem kê khai này với việc thực có khớp nhau không? Xác minh bước một chỉ coi là việc bình thường. Nếu kê khai mà không có xác minh thì vô nghĩa nhưng nếu để hết thanh tra làm thì rất vất vả, không đủ lực lượng làm, ông Nghĩa phân tích.
Ông Nghĩa dẫn chứng, có những cán bộ người dân nói có 5 - 7 cái biệt thự, hay có cả trăm tỷ, công ty này, công ty nọ thì phải xác minh ngay. Lúc đó bước thứ hai phải xem có tiêu cực hay không?
Liên quan đến giải pháp không dùng tiền mặt, đại biểu Nghĩa nhận xét ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam họ kiểm soát tất cả các dòng tiền rất chặt chẽ. Nhưng các ngân hàng Việt Nam thường buông lỏng, thả nổi việc này, nhất là việc chuyển tiền ra nước ngoài.
"Hàng chục năm qua, hàng chục tỷ USD của người Việt Nam chuyển ra nước ngoài mua nhà, mua tài sản... nhưng chúng ta không coi là hợp pháp hay không hợp pháp và xác định được nguồn tiền từ đâu. Nếu không kiểm soát được việc này thì phòng chống tham nhũng cũng như không" - ông Nghĩa nhận định.
Theo Dân Trí