|
Ngày 18-9, trao đổi với PV, nhiều CB-CNV Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP; trụ sở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết họ rất vui mừng sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn đã bán cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (gọi tắt là Công ty Hợp Thành, trụ sở TP.Hà Nội).
Mong cảng hoạt động ổn định
"Tối 17-9, sau khi đọc được thông tin này chúng tôi rất phấn khởi nên tổ chức tiệc ăn mừng. Những người bận làm ca tối hôm đó thì sau khi tan ca cũng đến chia vui. Kết luận thanh tra này chúng tôi mong mỏi bấy lâu nay" - anh Nguyễn Văn L., nhân viên QNP, chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên Tổng Giám đốc QNP, cho rằng cảng Quy Nhơn cũng có ngày… được cứu. "Với nội dung kết luận thanh tra như vậy, tôi tin rằng anh em đang làm việc ở cảng Quy Nhơn sẽ vui như Tết. Giờ tôi chỉ mong sao kiến nghị của TTCP sớm được triển khai thực hiện để cảng Quy Nhơn đi vào hoạt động ổn định" - ông Phúc bày tỏ.
Không riêng gì CB-CNV QNP, phần lớn cán bộ đương chức, hưu trí và người dân tỉnh Bình Định cũng rất vui sau khi có kết luận thanh tra về việc cổ phần hóa (CPH) tại QNP. Ông Tô Tử Thanh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996-2001 - kiến nghị: "TTCP kết luận như vậy là tốt rồi. Giờ đảng viên, nhân dân tỉnh Bình Định mong muốn vụ việc được Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét; Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền để xảy ra vi phạm, làm mất vốn nhà nước. Vấn đề quan trọng là làm sao để thu hồi được 75,01% cổ phần về cho nhà nước. Đây còn là bài toán hóc búa chứ không hề đơn giản".
"Các bộ, ngành bán chứ tỉnh có bán đâu" (!?)
Ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015, người ký văn bản đề nghị bán hết phần vốn của nhà nước tại QNP cho tư nhân, cũng cho rằng kết luận thanh tra về việc CPH tại QNP như vậy là khách quan. Ông Thiện giãi bày: "Tỉnh Bình Định chẳng qua muốn cảng Quy Nhơn có được hạ tầng cho tốt nên mới đề xuất bán thế thôi chứ không có gì đâu. Việc bán cảng là do các bộ, ngành làm chứ tỉnh có làm đâu (!?). Còn văn bản đề xuất bán cảng của tôi là do trước đó Bộ GTVT đã định hướng bán hết rồi. Năm 2015, tôi xuống cảng Quy Nhơn, thấy cảng bị ách tắc nên mới có văn bản đề xuất Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chứ không có gì. Bộ GTVT đã làm sai, làm ẩu thì giờ phải có trách nhiệm thu hồi lại cảng Quy Nhơn về cho nhà nước. Sau khi thu hồi, phải làm sao phát triển hạ tầng cảng Quy Nhơn để tạo đà phát triển cho các tỉnh Nam Trung Bộ".
Trong khi đó, ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, người ký 2 văn bản đề nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép CPH cảng Quy Nhơn theo hướng nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ và sau đó bán hết 49% vốn điều lệ của nhà nước - cho rằng ông hoàn toàn đồng ý và sẽ thực hiện theo kết luận của TTCP.
Những bất thường trong việc bán cảng Quy Nhơn được PV liên tục phản ánh thời gian qua. Tháng 9-2013, QNP tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phần với mức giá bình quân 12.792 đồng/cổ phần. Ngoài ra, QNP cũng bán 4,04 triệu cổ phần khác cho "nhà đầu tư chiến lược" là Công ty Hợp Thành với mức giá tương tự. Đến tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu cổ phần, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty Hợp Thành. Đầu tháng 9-2015, Vinalines tiếp tục bán phần còn lại vốn góp trong QNP (19,8 triệu cổ phần với tỉ lệ 49%) cho công ty này để gia tăng tỉ lệ nắm giữ lên 86,23%, với số tiền mua cổ phần khoảng 440 tỉ đồng.
"Lấy lại" bằng cách nào? Lý do TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc xử lý thu hồi 75,01% cổ phần tại QNP là vì bộ này cho phép Vinalines chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại QNP (theo đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015)… Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình CPH cảng Quy Nhơn được thực hiện sai nên phải xử lý thu hồi lại cho nhà nước là đúng nhưng giải pháp nào để thu hồi lại không đơn giản. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long gợi ý: "Nếu nhà nước muốn lấy lại cảng Quy Nhơn, sẽ phải hoàn trả số tiền nhà đầu tư đã mua, cộng thêm lãi suất trong suốt thời gian qua. Chưa kể nhà nước mua lại theo giá thỏa thuận nào để không thiệt hại cũng cần phải tính toán kỹ". Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện chưa có quy định rõ ràng trong việc nhà nước đã bán tài sản, cổ phần rồi giờ muốn mua lại. Nếu làm tùy tiện, có thể sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước sau này. "Nhà nước sẽ phải ngồi lại với nhà đầu tư để thương lượng, trao đổi nhưng chắc chắn giá sẽ không thấp hơn số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra trước đó. TTCP đã có kết luận sai phạm thì cần phải làm rõ và khắc phục nhưng thực thi không dễ bởi ngân sách ở đâu để mua lại, mua giá nào, nhà đầu tư có đồng ý bán lại không hoặc nếu bán giá cao thì nhà nước có chấp nhận mua không?" - TS Lê Đạt Chí phân tích. Một vấn đề khác được các chuyên gia đưa ra là cảng Quy Nhơn sẽ hoạt động ra sao trong thời gian chờ khắc phục sai phạm? Nếu quá trình khắc phục này kéo dài sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của cảng. Do đó, cần sớm có giải pháp để xử lý dứt điểm, khắc phục những sai phạm. |
Theo NLĐ