Thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu: Giấc mơ thoát nghèo trên vùng đất bạc tỷ

Thứ sáu, 12/10/2018, 09:54
Bỏ ruộng, bỏ vườn để đi đào đá đỏ, mong đổi đời từ lộc trời, khi cơn sốt đá đỏ hạ nhiệt, người dân bản Khoang (Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An) quay về với đói khát, thiếu đất sản xuất. Hàng trăm con người vẫn sống nghèo khó khi ngay dưới chân mình đã từng là mỏ đá quý.


Dãy nhà của Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An đang dần trở nên hoang tàn khi giấy phép khai thác hết hạn, chưa thể gia hạn từ 6 năm nay.

Sau thời gian khai thác, hoạt động của Công ty CP đá quý và vàng Hà Nội phải dừng lại do hết giấy phép. 6 năm qua, đơn vị này vẫn đang cố gắng để xin gia hạn giấy phép khai thác nhưng do “vướng” nhiều quy định nên vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù vậy, một bộ phận nhân lực của công ty vẫn được cắt cử, thay nhau canh gác, bảo vệ khu mỏ này.

Với kinh nghiệm mấy chục năm trời của một kỹ sư mỏ địa chất, ông Lê Hữu Khẩn – nguyên Phó GĐ Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An khẳng định: “Khu vực này vẫn đang còn nhiều đá màu, đá quý có giá trị lớn”. Mỗi năm vài bận, thông tin người này người kia nhặt được viên đá bạc tỉ ở khu vực này lại càng củng cố nhận định của ông Khẩn.

Nhận định của ông kỹ sư mỏ địa chất thì là vậy nhưng trong số 138 hộ dân bản Khoang thì có tới 97 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỉ lệ hơn 70% số hộ của bản.

Những vạt rừng đang dần phủ xanh đồi Tỷ - nơi xảy ra những trận huyết đấu giữa các băng nhóm xã hội cát cứ tranh giành lãnh địa đá đỏ, nơi xảy ra những vụ sập hầm chôn vùi hơn 70 sinh mạng phu đá.

“Thời điểm cơn sốt đá đỏ hạ nhiệt, dân tứ xứ thì tản mát khắp nơi, còn dân bản địa thì quay về với cảnh nghèo đói. Họ bỏ ruộng, bỏ vườn đi đào đá đỏ, thậm chí có những người không đào được thì sẵn sàng bán cả nhà cửa, đất đai cho người ta đào tìm đá.

Khi không còn đá mà bấu víu thì thước đất cắm dùi cũng không còn, ruộng nương bỏ bê bị người khác canh tác rồi, hoặc còn ruộng đất cũng không thể trồng trọt được bởi nham nhở những đá là đá. Rồi thì nghiện ma túy, tệ nạn xã hội khác... Bản Khoang nằm trên đồi tỉ, đồi triệu nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí còn nghèo khổ hơn trước khi có đá đỏ”, ông Lương Văn Đại – Chủ tịch UBND xã Châu Bình thở dài.

Để ổn định cuộc sống cho các hộ dân, chính quyền xã Châu Bình và huyện Quỳ Châu bước vào một cuộc vận động phục hóa đất đai. Những vạt đồi nham nhở đỏ quạch, những thửa đất lổn nhổn đá, những hầm hố sâu hàng mét… dần dần được san lấp, cải tạo. 3 năm ròng rã, giọt mồ hôi người đổ xuống nhưng đất không thể hoàn lại như xưa. Đất cằn cỗi thêm một lần nữa thử thách sức người dân bản Khoang.

Những ngôi nhà khang trang xuất hiện ngày càng nhiều hai bên Quốc lộ 48, đoạn qua bản Khoang - nơi đã từng là thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu.

96ha đất rừng được giao cho người dân để họ yên tâm bám đất, bám bản tìm kế sinh nhai. Từng bầu cây keo đặt xuống, trầy trật sống. Phân bón đổ xuống từng hốc đất, mồ hôi tắm từng gốc cây… những mầm xanh bắt đầu nhú lên, phủ xanh khoảng đất đỏ bầm như máu.

Khi cơn sốt đá đỏ tràn về, ông Lang Thái Sơn cũng nhập vào đoàn người đào núi tìm vận may. “Thì cũng tìm được ít ít”, ông Sơn không tiết lộ cụ thể số đá đỏ mình đã tìm thấy. Nếu như không ít người được “lộc trời”, có tiền trong tay thì lo hưởng thụ, ông Sơn lại nghĩ xa hơn. Số tiền bán đá đỏ được ông quay vòng đi buôn, tích lũy vốn dần dần.

“Tôi buôn đủ thứ, cũng kinh qua đủ nghề rồi. Năm 2003, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất rừng tôi cũng được nhận một ít, cộng với số diện tích rừng mua lại của bà con, tôi có 8 ha. Trồng mía, trồng sắn không ăn thua, tôi chuyển sang trồng keo. Cũng phải đổ không ít mồ hôi thì cây keo mới bén đất, sinh trưởng tốt. Nói chung so với các loại cây khác thì keo phát huy giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với chất đất ở đây hơn”, ông chủ rừng Lang Thái Sơn cho biết.

Rừng keo của ông Sơn đã bước sang mùa trồng thứ 3, lá xanh mướt. Từ đồi keo này, với khối óc và đôi bàn tay, vợ chồng ông lần lượt nuôi 4 đứa con học đại học, dựng nhà cửa, sắm được ôtô để đi lại. Ông Sơn vẫn chưa nhận là mình giàu mà chỉ “nhỉnh” hơn bà con dân bản. Lo được cho 4 đứa con học đại học, có lẽ ông Sơn cũng là người “giàu” nhất bản, bởi ông biết đầu tư đúng chỗ và tính đến hiệu quả lâu dài.

Ông Lang Văn Đàn – trưởng bản Khoang thông tin.“Tính ra thời điểm này mới chỉ có 24 hộ dân được giao rừng trồng cây keo nguyên liệu. Keo đã thu hoạch lứa thứ 2, trung bình đạt 80 triệu/ha. Hiện trong số 24 hộ dân này chỉ còn 3 hộ cận nghèo, số còn lại là hộ khá, có nhà cửa đàng hoàng, có người sắm được ôtô đi. Thống kê mới nhất thì toàn bản có 97/138 hộ nghèo và cận nghèo, đời sống hết sức khó khăn”,

Hiện tại mới chỉ phần lớn diện tích đồi Triệu được phủ xanh bởi rừng sản xuất. Đồi Tỷ vẫn còn ngổn ngang những bãi đá, những hầm hố - dấu tích một một thời lật rừng tìm đá. Thỉnh thoảng, ở những nơi đã cải tạo được, những vạt cây keo đã tốt vượt lên, xanh rì bên những tảng đá trơ trọi. Đó là những thửa rừng người dân tận dụng chứ chưa thực sự được giao quyền sử dụng đất để canh tác lâu dài bởi trên lý thuyết, khu vực mỏ đá này đã hết hạn khai thác nhưng vẫn thuộc sự quản lý của Công ty CP đá quý vàng bạc Hà Nội.

Theo ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình, hướng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của bản Khoang - nơi đã từng là thủ phủ đá đỏ của Quỳ Châu, chủ yếu vẫn là chăn nuôi và trồng rừng.

"Về cơ bản, với địa hình, điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng như ở đây thì trồng rừng vẫn là hướng đi chủ đạo trong công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đá đỏ này. Một số mô hình trang trại chăn nuôi bước đầu cũng đã phát huy hiệu quả kinh tế. Hiện tại mô hình chăn nuôi 20 bò sữa nhập ngoại, trồng cỏ, trồng ngô để phục vụ chăn nuôi đang được hình thành ở khu vực đồi Triệu, hi vọng sẽ mang lại bước đột phá trong phát triển kinh tế nơi đây”, Chủ tịch UBND xã Châu Bình Lương Văn Đại cho biết.

Sắp tới, theo đề án sáp nhập thôn bản, bản Khoang sẽ được nhập vào bản Bình 2, và có thể cái tên này sẽ bị xóa sổ, như người ta đang cố quên đi ký ức buồn đau, dữ dội của giấc mơ đá đỏ thủa nào. Đi dọc Quốc lộ 48 đoạn qua bản Khoang đã thấy những căn nhà tầng hiện lên như một điểm nhấn giữa màu xanh bao la của rừng. Qua thời bám đá tìm vận may, người dân nơi đây bằng chính sức lao động của mình, đang bám vào rừng để thoát nghèo, dẫu hành trình tới đích vẫn còn rất xa.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích