|
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry (Ảnh: Reuters) |
“Mỹ không thể bỏ qua nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia khi Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thu thập các công nghệ hạt nhân nằm ngoài các dự án hợp tác nguyên tử dân dụng mà 2 nước đã ký kết”, hãng tin AFP dẫn bài phát biểu ngày 11/10 của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry.
Đây được coi là “phát súng” mới nhất Mỹ khai hỏa trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh. Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo thông báo mới nhất của ông Perry, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các thương vụ xuất khẩu hạt nhân dân dụng sang Trung Quốc nhưng các hoạt động này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, Bộ Năng lượng Mỹ nói rằng Washington sẽ có quan điểm từ chối mặc định nếu nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của các bên có liên quan tới Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN).
Công ty trên đã bị cáo buộc hồi năm ngoái hợp tác với một công dân Mỹ nhập tịch nhằm phát triển loại vật liệu hạt nhân nhạy cảm sử dụng công nghệ của Mỹ mà không trải qua quá trình xin cấp phép bắt buộc từ Washington.
Mỹ sẽ xem xét cẩn thận các thương vụ hợp tác hạt nhân thông qua các quy định nhằm đảm bảo công nghệ này sẽ được ứng dụng cho mục đích hòa bình và không bị chuyển giao cho một bên thứ 3.
“Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc đã sử dụng chính sách nhằm thu thập công nghệ hạt nhân để gia tăng lợi thế kinh tế của nước này”, một quan chức giấu tên nói với AFP.
Quan chức giấu tên cho hay Mỹ có thể chịu thiệt hại về mặt ngắn hạn vì quyết định hạn chế Trung Quốc do Bắc Kinh đang có nhu cầu phát triển điện nguyên thử để giảm phụ thuộc vào nguồn nhiêu liệu hóa thạch.
“Tuy nhiên, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm sản xuất và thay thế các sản phẩm hạt nhân từ Mỹ có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho thị trường toàn cầu và công ăn việc làm của người Mỹ”, quan chức nhận định.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Ngày 11/10, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc nếu Bắc Kinh không “xuống nước” trong cuộc chiến thương mại.
Theo Dân Trí