Dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch vừa được Hội đồng Nhân dân TP.HCM thông qua với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng. Quyết định này nảy sinh nhiều tranh cãi về sự cần thiết của nhà hát trong thời điểm này. Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan có cuộc trao đổi với VnExpress về vấn đề trên.
Kế hoạch xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được đặt ra đã lâu. Vì sao HĐND TP.HCM phải dành một cuộc họp bất thường để chốt trong thời điểm này?
- Dự án có từ hơn 15 năm trước, tức ba nhiệm kỳ trôi qua rồi. Thành phố đã có bước chuẩn bị khá dài nhưng chưa chọn được địa điểm xây phù hợp. Ban đầu định làm ở số 23 Lê Duẩn, quận 1 nhưng khu đất này nhỏ quá. Tiếp đó thành phố dự định xây nhà hát ở Công viên 23/9, hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành, nhưng các chuyên gia cho rằng ở đây ồn ào, không phù hợp loại hình nghệ thuật này. Mãi về sau thành phố mới quyết định bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn để lấy tiền xây nhà hát ở Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2).
HĐND TP.HCM họp lần này đâu có gì bất thường. Năm nào cũng vậy, ngoài những kỳ họp thường kỳ, HĐND có 2 lần họp bổ sung gọi là "bất thường" để xem xét các vấn đề khác. Các nội dung mà HĐND thành phố bàn bạc vừa rồi đều thuộc Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó dự án nhà hát thuộc nhóm A (vốn hơn 1.000 tỷ đồng) do HĐND thành phố quyết định.
UBND thành phố trình HĐND thông qua dự án xây nhà hát lúc này vì đã có 4 cái sẵn sàng: đất, vốn (tiền bán khu đất 23 Lê Duẩn), ý tưởng (đã nghiên cứu, tham khảo ở các nước) và đã có đội ngũ nghệ sĩ cùng cơ sở vật chất ban đầu là dàn nhạc.
Chánh văn phòng Võ Văn Hoan, người phát ngôn của UBND TP.HCM. |
Vì sao thành phố chọn xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm trong khi nơi này đang có hàng loạt các sai phạm chưa được giải quyết?
Các sai phạm ở Thủ Thiêm về ranh quy hoạch, chính sách bồi thường... thành phố vẫn đang làm quyết liệt. Nhưng cái nào ra cái đó, không nên nhập nhằng giữa hai chuyện với nhau.
Vừa giải quyết các tồn tại ở đây, thành phố vừa phải làm những việc để khu đô thị phát triển chứ không ngừng hết các công trình. Chủ trương thông qua việc xây nhà hát nếu không trùng thời điểm Thanh tra Chính phủ vừa kết luận về Thủ Thiêm thì chuyện này cũng bình thường thôi.
Vậy Thủ Thiêm đáp ứng những điều kiện gì cho việc đặt nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở đây?
Thủ Thiêm được quy hoạch tổng thể thành đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực. Ngay từ đầu trong quy hoạch đã có: nhà hát, trung tâm triển lãm, nghỉ dưỡng, quảng trường, bảo tàng... Nói chung khu vực dự định xây nhà hát là không gian công cộng vui chơi giải trí với rất nhiều công trình.
Để chọn vị trí xây nhà hát, thành phố đã bàn bạc rất nhiều về kết nối giao thông, tiện ích, môi trường xung quanh... Cuối cùng đi đến quyết định xây nhà hát ở quận 2 là tốt nhất, có thể tạo hiệu ứng tác động đồng bộ toàn diện.
Theo kế hoạch, nhà hát được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ quận 1 qua Thủ Thiêm), kết nối với quảng trường trung tâm, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hiện một số dự án ở Thủ Thiêm đã đồng loạt triển khai như quảng trường trung tâm, cầu Thủ Thiêm 2...
Vì sao trong tờ trình, thành phố đánh giá việc xây dựng nhà hát là công trình cấp bách, thưa ông?
Quan điểm của thành phố là phát triển kinh tế phải đồng bộ với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường... nhưng nói thẳng ra là thành phố chưa đầu tư nhiều cho lĩnh vực văn hóa. Hơn 40 năm qua thành phố chưa xây dựng được thiết chế cơ sở văn hóa dù từ năm 1993 đã lập Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch. Dàn nhạc cũng đã mua về rồi nhưng vì không có cơ sở nên phải gửi ở rạp Thanh Vân (quận 3). Nói chung mọi thứ đã đầy đủ, nhưng cái khung, môi trường biểu diễn là chưa có.
Còn Nhà hát thành phố đã có từ thời Pháp thuộc, Nhà hát Hòa Bình chủ yếu phục vụ ca múa nhạc, Nhà hát Bến Thành thì quy mô nhỏ và đều đang xuống cấp. Thực tế có nhiều đoàn nghệ thuật đã từ chối đến biểu diễn ở thành phố vì chúng ta chưa có nơi đạt chuẩn.
Việc xây nhà hát giao hưởng cũng là trăn trở của lãnh đạo nhiều thời kỳ với mong muốn nâng tầm thành phố lên. Nhà hát khi được xây sẽ đúng theo quan điểm xưa giờ của thành phố, tức là phát triển văn hóa đại chúng kết hợp văn hóa nghệ thuật đỉnh cao, gắn với một thành phố phát triển đông dân, đang hội nhập, nhiều nguồn cư dân... Một thành phố văn minh, hiện đại nghĩa tình thì đòi hỏi phải có những công trình như thế, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập.
Tôi thấy có ý kiến cho rằng xây nhà hát giao hưởng "chỉ phục vụ cho người giàu", nhưng nói thật chắc gì người giàu đã biết loại hình nghệ thuật này. Nói như vậy là chỉ mới nhìn thấy một phía là "ai được hưởng lợi", chưa thấy được cái tổng thể. Công trình này còn là nơi biểu diễn, giao lưu quốc tế; là môi trường để phát hiện, huấn luyện, đào tạo nhân tài nghệ thuật của đất nước từ tấm bé.
Ngoài ra, công trình còn có ý nghĩa hướng dẫn thị hiếu, nhu cầu, xây dựng ý thức thẩm mỹ của công chúng.
Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch sẽ được xây tại lô đất số 21 (mũi tên màu vàng) thuộc Khu chức năng số 1 của Khu đô thị Thủ Thiêm, không xa quần thể kiến trúc tôn giáo. |
Người dân TP.HCM đang đối mặt hàng ngày với kẹt xe, ngập, quá tải bệnh viện... Quan điểm của ông trước ý kiến cho rằng đây mới là vấn đề phải cấp bách giải quyết hơn việc xây nhà hát?
Ở vai trò quản lý nhà nước thành phố phải lo cho nhiều đối tượng; ngập nước, kẹt xe phải làm nhưng ở lĩnh vực khác vẫn phải giải quyết. Đơn cử thế này, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch giảm ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2018-2020 với tổng nguồn lực hơn 96.100 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện các dự án là hơn 84.600 tỷ. Mục tiêu của kế hoạch là trong hai năm tới sẽ xây thêm 49 cây cầu, làm mới thêm gần 200km đường bộ, phương tiện vận tải công cộng có thể đáp ứng được 15% nhu cầu giao thông đô thị...
Riêng năm nay thành phố chi cho giao thông là 8.000 tỷ đồng. Hàng loạt cầu vượt, hầm chui ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngã tư An Sương, cảng Cát Lái đã được đưa vào sử dụng; các cây cầu nối khu Nam với trung tâm thành phố cũng đang được mở rộng...
HĐND thành phố hàng năm cũng đều phân bổ ngân sách cho giáo dục, y tế... Thành phố vừa được Thủ tướng cho phép xây 3 bệnh viện đa khoa với tổng số vốn hơn 5.600 tỷ đồng ở quận Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi. Các bệnh viện này sẽ khởi công trong giai đoạn 2018-2020 cùng với nhà hát. Nói vậy để thấy thành phố làm nhiều thứ, chứ không phải chỉ chăm bẵm vô văn hóa nghệ thuật.
Thành phố căn cứ vào đâu để xác định chi phí xây nhà hát là hơn 1.500 tỷ đồng?
Con số này mới chỉ là ước tính sau khi được tư vấn, khảo sát, nghiên cứu nhà hát giao hưởng ở nước ngoài, thực tế khi xây dựng có thể còn cao hơn. Trong đó, chi phí xây lắp là hơn 636 tỷ; mua sắm thiết bị chuyên dùng 627 tỷ; chi phí quản lý dự án khoảng 13 tỷ; tư vấn đầu tư xây dựng gần 27 tỷ...
Thành phố hiện mới thông qua về chủ trương. Năm 2019-2020 sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế và hoàn thành các thủ tục cần thiết. Đến năm 2020-2021 khởi công và thi công xây lắp phần bê tông cốt thép; năm 2021-2022 sẽ hoàn thiện công trình, lắp đặt thiết bị...
Kế hoạch dự kiến là như thế, thực tế có thể còn lâu hơn vài năm, hoặc phải 50 năm ngày đất nước thống nhất thì thành phố mới có nhà hát này.
Ông nói gì về thông tin TP.HCM phải gấp rút chốt việc xây nhà hát, nếu không khoản tiền bán khu đất 23 Lê Duẩn sang năm phải chuyển về ngân sách trung ương?
Làm gì có chuyện đó. Nghị quyết của thành phố nhiều năm nay đã chốt số tiền bán khu đất 23 Lê Duẩn (hơn 1.400 tỷ đồng) là để xây nhà hát giao hưởng.
Còn theo quy định của Luật Đầu tư công, chủ trương đối với các dự án thuộc nhóm A phải được thông qua trước ngày 31/10 mới được ghi vốn cho năm sau, chậm một ngày cũng không được. Ở các tỉnh thành khác cũng vậy thôi, năm nào các dự án đầu tư công cũng đều phải "chạy đua" hoàn thành trước mốc này.
Theo VNE