Ý kiến đa chiều về nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm

Thứ bảy, 13/10/2018, 08:59
Nhìn nhận việc xây dựng nhà hát ở TP.HCM là cần thiết, nhưng một số chuyên gia cho rằng cần cân nhắc về địa điểm và lộ trình.

HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Trước thông tin về vị trí xây dựng nhà hát trên, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - người chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội trong thập niên 1990 cho rằng, nhà hát nên được xây dựng ở trung tâm của thành phố bởi "đó chính là bộ mặt, niềm kiêu hãnh của đô thị hiện đại, văn minh".

"Nhà hát không phải trung tâm văn hóa quận mà phải đường bệ, trở thành niềm tự hào về kiến trúc đô thị. Do đó nó cần được đặt ở vị trí đắc địa. Thủ Thiêm dù là đất vàng độ thị mới nhưng đó không phải khu vực trung tâm truyền thống của TP.HCM", ông Kính nêu ý kiến.

Ông lấy Nhà hát Lớn Hà Nội làm ví dụ so sánh và cho rằng vị trí của công trình này tới nay vẫn chưa lỗi thời khi tọa lạc ở khu vực trung tâm truyền thống của Thủ đô, trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đã được chốt xây dựng trong Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - người có nhiều công trình khảo cứu về văn hoá trong đó có Nhà hát lớn Hà Nội, nêu ý kiến đồng thuận với việc xây dựng nhà hát Thủ Thiêm.

"Người dân có quyền ngồi trong nhà hát sang trọng hưởng thụ văn hóa. Đúng là chúng ta cần làm đường, làm bệnh viện, cầu cống giải quyết ngập lụt, ách tắc... Nhưng nếu không làm văn hóa, không xây dựng những công trình văn hóa lớn thì các thế hệ tương lai có được những công trình ý nghĩa như Nhà hát Lớn Hà Nội hay không?", ông Tiến phân tích.

Ông Tiến quan niệm, nhà hát ngoài là một công trình kiến trúc thì còn là nơi biểu diễn các chương trình nghệ thuật lớn. Khi có các chương trình nghệ thuật lớn, thẩm mỹ nghệ thuật của người dân sẽ được nâng lên dần, tạo nên sự lan toả văn hoá.

Nhà hát lớn Hà Nội.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đồng tình với chủ trương xây dựng nhà hát của TP.HCM, để phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng việc xây dựng nhà hát giao hưởng với số tiền 1.500 tỷ ở thời điểm này “nên cân nhắc lại”. TP.HCM đang gặp phải hàng loạt nhu cầu cần giải quyết trong phát triển đô thị và cả vấn đề nóng về quy hoạch Thủ Thiêm, nơi đặt công trình nhà hát giao hưởng.

“Hiện đa số người dân thành phố cần gì nhất? Họ có cần một nhà hát hoành tráng không, hay họ cần những con đường thông thoáng, bệnh viện không quá tải, giáo dục cải thiện tốt hơn? Tôi nghĩ giờ chưa phải lúc để xây nhà hát với số tiền quá lớn như vậy ”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, "lãnh đạo thành phố nói nhà hát cần cho dân, phục vụ dân thì nên xin ý kiến họ trước; người dân thấy cái gì quan trọng nhất, chúng ta sẽ làm".

Từng nhiều năm theo dõi, giám sát lĩnh vực văn hóa của Quốc hội , ông Tiến cho rằng, mục tiêu phục vụ phát triển đời sống văn hóa của người dân đô thị, không chỉ có nhà hát mà còn nhiều yếu tố khác phải đầu tư như sân vận động, công viên, thư viện...

“Nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân rất đa dạng. Âm nhạc đặc trưng của khu vực Nam Bộ là cải lương, dân ca Nam Bộ, hát bội... Thành phố có thể khảo sát ý kiến của người dân xem họ thích loại nhạc gì, nhà hát như thế nào”, ông Tiến gợi ý.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, đánh giá để xây dựng một nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế phải đầu tư số tiền khổng lồ.

“Tôi nghĩ số tiền 1.500 tỷ xây dựng nhà hát giao hưởng không đáng gì, thậm chí còn chưa đủ. Đó là tôi nói chung về xây dựng, còn với túi tiền của TP.HCM đang phải ưu tiên nhiều nhiệm vụ khác nhau, tôi nghĩ nó lớn đấy”, ông Liêm nói.

Ông Liêm cho rằng nhà hát là hạ tầng quan trọng của xã hội, cũng như trường học, bệnh viện. Việc xây dựng một nhà hát lớn ở TP.HCM cần thiết trong tương lai. Công trình có thể trở thành biểu tượng mới cho thành phố hơn 10 triệu dân. Khi xác định xây nhà hát lớn, bao gồm các công trình phụ trợ trên diện tích rộng. Thành phố phải quy hoạch địa điểm từ trước đó nhiều năm.

“Quy hoạch Thủ Thiêm là chuyện đại sự, những thắc mắc về đất đai sớm muộn cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa. Để TP.HCM, để Thủ Thiêm phát triển, nhiều công trình hạ tầng cần ưu tiên, thời điểm này dành tiền để đầu tư cầu đường hữu ích nhất”, ông Liêm nói.

Theo ông, các nhà hát ở TP.HCM hiện quy mô nhỏ nhưng vẫn phù hợp với nhu cầu của người dân thưởng thức âm nhạc.

“Nhà hát lớn Hà Nội hay nhà hát lớn TP.HCM có phải ngày nào cũng đỏ đèn đâu. Nếu mỗi tuần, nhà hát tổ chức đều đặn một đến hai buổi hòa nhạc giao hưởng, khán giả kín ghế ngồi, lúc đó ta tính làm nhà hát lớn hơn chưa muộn”, ông Liêm nói.

Ngày 8/10, tại kỳ thứ 10 (họp bất thường) HĐND TP.HCM đã thông qua dự án đầu tư xây dựng nhà hát Giao hưởng, nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022.

Theo VNE

Các tin cũ hơn