Sau Trung Quốc, ông Trump có thể "nắn gân" Triều Tiên khi hủy thỏa thuận hạt nhân với Nga

Thứ sáu, 26/10/2018, 17:30
Triều Tiên có thể là lý do thực sự dẫn tới việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng không đạt được nhiều tiến triển phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Khi thông báo quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987 với Nga, Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn lý do Moscow liên tục vi phạm cũng như việc Trung Quốc không bị ràng buộc bởi thỏa thuận này.

Tuy nhiên theo cây bút Marc A. Thiessen của Washington Post, quyết định của Tổng thống Trump dường như không chỉ nhắm tới Nga hay Trung Quốc, mà đây được cho là thông điệp gửi tới Triều Tiên.

“Nếu các ông không phi hạt nhân hóa, chúng tôi có thể bao vây đất nước của các ông bằng các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, từ đó cho phép chúng tôi tấn công chính quyền của các ông mà không báo trước”, Thiessen nhận định suy nghĩ của nhà lãnh đạo Mỹ với Triều Tiên khi tuyên bố rút khỏi INF.

Ở thời điểm hiện tại, chính quyền Trump dường như đang đạt được rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng. Việc đe dọa triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Á có thể làm thay đổi động lực của các cuộc đàm phán này.

Vào năm 1983, cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng thông báo kế hoạch triển khai hàng trăm tên lửa tầm trung Pershing II tới Đông Âu để đối phó việc Liên Xô triển khai các tên lửa hạt nhân SS-20. Động thái của Mỹ đã vấp phải các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp châu Âu, nhưng đồng thời cũng gây sức ép với Liên Xô, từ đó đặt nền móng cho một loạt bước đột phá về kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc sau đó, bao gồm hiệp ước INF.

Tên lửa Iskander của Nga (Ảnh: EPA)

Tương tự với Liên Xô, bằng cách dọa rút khỏi INF, Tổng thống Trump cũng có thể gây sức ép tương tự với Triều Tiên. INF cấm Nga và Mỹ phát triển hoặc triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, kể cả là tên lửa mang đầu đạn thông thường hay tên lửa hạt nhân, với tầm bắn từ 500-5.500km.

Nếu không còn bị ràng buộc bởi hiệp ước, Mỹ có thể triển khai hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm trung mang đầu đạn thông thường tới các căn cứ ở châu Á, bao gồm đảo Guam và Nhật Bản - hai nơi lần lượt cách Triều Tiên 3.300km và 1.000km. Theo đó, Mỹ không cần triển khai thường kỳ các tàu sân bay tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để phô diễn sức mạnh như trước đây. Nói cách khác, việc đặt các tên lửa tầm trung trong khu vực sẽ đặt Triều Tiên trong vòng kiềm tỏa của Mỹ.

Triều Tiên chắc chắn không muốn các tên lửa của Mỹ xuất hiện ở cửa ngõ nước này. Trung Quốc cũng vậy. Bắc Kinh lo ngại việc triển khai tên lửa sẽ giúp Mỹ khôi phục uy thế về quân sự tại Thái Bình Dương. Theo cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris, Trung Quốc hiện sở hữu “lực lượng tên lửa đa dạng và lớn nhất thế giới” và 95% số tên lửa của nước này sẽ nằm trong diện vi phạm INF nếu Bắc Kinh là một bên tham gia hiệp ước.

Tổng thống Trump có thể triển khai tên lửa hành trình Tomahawk lên các bệ phóng đặt trên mặt đất tại Thái Bình Dương ngay sau khi rút Mỹ khỏi hiệp ước. Ngoài ra, điều này cũng cho phép Mỹ phát triển và triển khai các tên lửa mới từng nằm trong diện bị cấm của INF cũng như các vũ khí siêu thanh với khả năng di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Đây được cho là rào cản lớn với cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Thông qua quyết định rút khỏi INF, Tổng thống Trump đã trao cho Mỹ một quân bài mặc cả mới. Thứ nhất, Triều Tiên buộc phải phi hạt nhân hóa nếu không muốn chứng kiến cảnh bị tên lửa của Mỹ bao vây. Thứ hai, Trung Quốc buộc phải gây sức ép với Triều Tiên để nước này phi hạt nhân hóa vì Bắc Kinh cũng không muốn Mỹ triển khai thêm tên lửa tới khu vực.

Tác động tới châu Á

Tên lửa Trung Quốc tại lễ duyệt binh. (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc hiện là quốc gia hiếm hoi ở châu Á lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước sẽ gây ra tác động tiêu cực. Trong khi đó, phần lớn các nước châu Á khác đều giữ im lặng.

Theo SCMP, các nhà phân tích cảnh báo việc Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi INF mà không báo trước với các đồng minh ở châu Á sẽ làm gia tăng sự hoài nghi về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là đối tác phòng thủ trong khu vực.

“Các đồng minh của Mỹ không hoài nghi về năng lực quân sự của Mỹ mà về cam kết của nước này. Khi không thông báo cho đồng minh về hầu hết các quyết định quan trọng, Mỹ sẽ tạo tâm lý bất an cho họ”, Naoko Aoki, nhà nghiên cứu an ninh hạt nhân tại Tập đoàn RAND, nhận định.

Nếu các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu nghi ngờ cam kết của Mỹ trong các hiệp ước chung, họ cũng có thể nghi ngờ về mối quan hệ lâu năm với Washington.

“Nếu các nước cho rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ họ không còn đáng tin cậy nữa, họ sẽ đánh giá lại liên minh với Mỹ”, Sam Roggeveen, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Australia, cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF có thể sẽ tác động tới bối cảnh an ninh khu vực châu Á - nơi có các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên.

“Nếu Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước INF, đây là dấu hiệu cho thấy trật tự thế giới Đại Tây Dương đang sụp đổ và kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực ở châu Á đang diễn ra”, chuyên gia Roggeveen nhận định.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn