Trung Quốc chật vật trong cuộc đua sở hữu hàng không mẫu hạm với Mỹ

Thứ ba, 27/11/2018, 16:14
Việc khởi công đóng tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc bị đình trệ do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và nguồn chi phí bị san sẻ cho chương trình cải cách quân sự của Bắc Kinh, SCMP dẫn một nguồn tin quân sự cho hay.

Thông tin này được công bố chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh xác nhận đang khởi công đóng tàu sân bay nội địa thứ 2, nâng tổng số hàng không mẫu hạm của Trung Quốc lên thành 3 chiếc. Hải quân Trung Quốc đang vận hành tàu sân bay Liêu Ninh mua lại của Ukraine và thử nghiệm hàng không mẫu hạm Type-001A đóng mới trong nước.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã trong thông báo đăng trên tài khoản WeChat hôm 25/11 cho biết tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc Type 002 đang được chế tạo theo kế hoạch. Các chuyên gia quân sự hy vọng Type 002 sẽ được hoàn thành và bàn giao cho hải quân Trung Quốc trước lễ Quốc khánh vào tháng 10/2019.

Dự án đóng mới tàu sân bay của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ và vấn đề ngân sách. (Ảnh: SCMP)

Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp một số khó khăn sau khi ngân sách cho dự án đóng mới Type 002 bị san sẻ cho kế hoạch phát triển tiêm kích trên hạm cho Type 002.

“Trung Quốc hiện nay vẫn đang thất bại trong việc phát triển một mẫu tiêm kích trên hạm tiên tiến và uy lực phù hợp với Type 002”, một nguồn tin hải quân cho biết.

Trước đó, SCMP dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ Bắc Kinh đang phát triển một mẫu tiêm kích trên hạm thay thế cho J-15 vốn đang gặp nhiều vấn đề kỹ thuật. Tất cả các chiếc J-15 đã bị “đắp chiếu” trong 3 tháng kể từ sau vụ tai nạn nghiêm trọng trong năm 2016.

Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa vào hoạt động 4 nhóm tác chiến tàu sân bay trước năm 2030 nhưng kế hoạch này có thể sẽ phải thay đổi bởi ngân sách quốc phòng bị thu hẹp vì cuộc cải tổ quân sự chưa từng có. Các yếu tố khác như kinh tế và chính trị cũng là một số tác nhân khác làm ảnh hưởng tới kế hoạch này.

Nguồn tin của SCMP cũng nói thêm rằng Bắc Kinh nhận thức rõ ràng về khoảng cách giữa họ và Washington khi hải quân Mỹ đang có trong tay 11 nhóm tàu tác chiến sân bay uy lực với 8 trong số đó luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cùng một lúc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ. (Ảnh: U.S. Navy)

Một nguồn tin quân đội Trung Quốc cuối năm 2017 từng nói với SCMP rằng, hải quân nước này cần 6 tàu sân bay để thúc đẩy lợi ích ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhưng thừa nhận không thể cạnh tranh với Mỹ.

Theo VTC

Các tin cũ hơn