Tiếng chuông ngân dài, tôi chạy từ trong bếp ra phòng khách mở cửa. Không hiểu ai bấm chuông? Hôm nay là ngày đầu tiên tôi chuyển đến ngôi nhà này, không quen ai ở đây cả. Tôi nhìn chiếc quần ngố với chiếc áo phông có mấy vết bẩn từ mấy thùng đồ đạc. “Thôi kệ, chuyển nhà mà”.
Cửa mở, ngoài cửa là một thiếu phụ trẻ, xinh đẹp, mang thai, tay dắt một cô bé xinh xắn khoảng 2 tuổi, tự giới thiệu là hàng xóm của tôi, muốn hỏi tên, chúc mừng tôi chuyển tới nhà mới. Cô bé nhảy choi choi, nói liên tục, hỏi rất nhiều. Người mẹ đưa tôi một tấm danh thiếp và nói nếu cần giúp gì thì cứ nói với cô ấy, rồi nói sẽ không làm phiền nữa, để chúng tôi tiếp tục dọn dẹp nhà cửa đang ngổn ngang những thùng đồ.
Đóng cửa rồi, tôi mới đọc tấm danh thiếp. Lần đầu tiên, tôi thấy một tấm danh thiếp thế này:
Heather Smith
Người nội trợ
Mẹ của Emily và vợ của Steve.
Email: xxx@gmail.com
Số di động: xxxxx
Cầm tấm danh thiếp, tôi ngồi xuống đi-văng, quên cả việc dọn nhà.
Tôi cứ ngồi và ngẫm nghĩ.
Tôi nghĩ về một mẩu đối thoại hay gặp ở giai đoạn trước khi sinh con.
- Bạn làm gì?
- Tôi ở nhà nội trợ và trông con.
- Ồ….
Một khoảng im lặng ngượng ngùng, tôi đỏ mặt, cảm tưởng như ý nghĩa của mình bị người đàn bà đối diện nhìn thấu. Với những người phụ nữ ở nhà này, tôi có rất ít sự kính trọng. Nếu người đối diện nói “Tôi là bác sĩ”. “Tôi là giáo viên”. “Tôi là nhà báo”. “Tôi là diễn viên”, thì thái độ của tôi đã khác. Tôi cứ nghĩ là chẳng làm gì, sống nhờ chồng, chẳng có gì đáng quan tâm. Ở nhà thì ai mà chả ở được, đi làm mới khó. Đi làm với những công việc căng thẳng, với sự tranh giành, đấu đá, kèn cựa trong cơ quan mới khó. Với những người đàn bà này, tôi cười ngoài mặt nhưng trong bụng có ý coi thường.
Tôi hay đọc tiểu sử của những người đàn ông nổi tiếng, thường có thêm dòng chữ, “x con, vợ là một người nội trợ”. A ha, đối với tôi, dòng tiểu sử này có nghĩa là vợ chả làm gì cả, lấy được ông chồng giàu rồi ở nhà chơi rong, dựa chồng, không chịu cố gắng đi làm. Thấy có đứa bạn nào nghỉ ở nhà trông con, thế nào tôi cũng nói: “Sướng thế còn gì, không phải đi làm”.
Cho đến khi có con, tôi mới nhận ra rằng có cả một thế giới mà tôi không biết tới trước đây và tôi đã sai thế nào.
Tôi quay cuồng từ sáng tới tối với con bú, con ngủ, hút sữa, con đái, con ỉa, con khóc, lại con bú. Tôi thậm chí không có thời gian ăn một bữa ra hồn. Tắm là một việc xa xỉ. Ngủ tất nhiên là không rồi. Dọn dẹp nhà cửa cũng quên ngay đi. Giặt quần áo dù bằng máy giặt cũng không có thời gian. Nói chuyện quá 3 phút trên điện thoại là một điều không tưởng. Đi vào nhà vệ sinh cũng phải nghĩ chán xem bê con theo đặt ở chỗ nào… Vài tháng sau, con lớn hơn, việc ăn đỡ vất vả hơn, thay tã ít hơn thì nó bắt đầu bò khắp nơi. Tôi phải chạy theo con suốt ngày, không rời mắt, để tránh cho con không bò vào những chỗ không an toàn. Rồi lại ăn, ngủ ngày vài lần, tắm nắng, rồi phải chơi đùa, giải trí, hát hò, phải đưa con đi ra ngoài chơi, đọc sách cho con nghe, nói chuyện với con… Tôi thật sự không có một giây nào nghỉ ngơi suốt cả ngày. Đêm thì con dậy vài lần bú, lâu lắm rồi chưa có giấc ngủ ngon. Ở nhà suốt ngày thì bức bối, ra ngoài thì ngại vì phải mang lỉnh kỉnh đủ mọi thứ, sữa, bỉm, giấy lau, đồ chơi, lại phải tính giờ để đưa con về kịp giờ ngủ sáng, ngủ trưa, ngủ chiều.
Đấy là chưa kể khi con bị ốm, đeo lấy mẹ cả ngày lẫn đêm. Mà trẻ con, đứa nào chả có lúc ốm. Sáng đang chơi cười khanh khách, chiều tự nhiên lăn ra sốt đùng đùng là chuyện thường. Đấy là tôi mới chỉ có một đứa con.
Tôi có một đứa bạn sinh con cùng dịp với tôi nhưng bố mẹ sang trông giùm một thời gian dài. Lúc bố mẹ về rồi, con đi nhà trẻ, nhưng nàng vẫn phải tự mình trông con hai ngày cuối tuần, email cho tôi kêu giời đất: “Ở nhà trông con mệt lắm, đến chỗ làm được nghỉ ngơi!”
Tôi nhìn lại tấm danh thiếp. Nó giản dị, bình thường, in trên giấy màu trắng, bên trái có trang trí hình ba bông hoa hồng xinh xắn màu hồng. Nó nhẹ tênh, thổi một cái là bay.
Đó là sức mạnh của những ngày không kịp có bữa ăn nào trọn vẹn và những đêm mất ngủ dậy ru con. Đó là sức nặng của sự hi sinh sự nghiệp, thú vui, thời gian của bản thân, đặt nhu cầu của chồng và con lên trước. Đó là sức nặng của tình yêu sâu sắc, một tình yêu không phải trong những việc nội trợ tỉ mỉ, không tên mà người mẹ, người vợ cố gắng hoàn thành mỗi ngày để mỗi bữa có cơm ngon trên bàn, mỗi tối chồng con có giấc ngủ ngon, mỗi khi nóng có quạt mát, mỗi khi lạnh có chăn ấm. Để con lớn lên, an toàn, khoẻ mạnh, thông minh, hạnh phúc. Để chồng có một tổ ấm về sau mỗi ngày làm việc vất vả. Để đó là sức nặng của lòng tự hào về việc mình chọn làm trong cuộc đời này, tự mình thể hiện ở chồng con. Tự hào lắm chứ? Có việc gì khó hơn là nuôi dạy một con người lớn lên biết tự lo cho bản thân mình và có ích cho xã hội?
Tôi biết rằng, sau này, mỗi khi đọc tiểu sử của một người đàn ông tài giỏi nào đó có vài đứa con và vợ nội trợ, tôi sẽ không cười nửa miệng coi thường nữa mà ngả mũ chào, không phải ông ta, mà người vợ của ông ấy.
Chồng ngó đầu vào hỏi: “Tối nay mua pizza cho tiện nhé”. Tôi gật đầu. “OK”.
Tôi cất tấm danh thiếp vào ví mỉm cười. “Nếu tối nào cũng order pizza được thì ở nhà làm vợ, làm mẹ cũng không đến nỗi khó lắm”.
Theo Dantri