Sợ say xe thì đừng dại nhịn ăn

Thứ hai, 27/02/2012, 10:59
Trước khi đi tàu xe không nên ăn quá no, nhưng nếu vì sợ say mà nhịn đói thì lại càng tai hại, các bác sĩ cho biết.  

Đầu năm là dịp để nhiều người tổ chức các chuyến đi xa lễ chùa hoặc thưởng ngoạn phong cảnh. Tuy nhiên, nếu không biết cách giữ gìn có nhiều nguy cơ có thể “đe dọa” đến sức khỏe. Dưới đây là những lưu ý quan trọng nhất để giữ sức khỏe trong mùa hành hương, lễ hội.

Sai lầm nhịn ăn khi đi tàu xe

Say tàu, xe là vấn đề mà nhiều người hay mắc phải. Để giải quyết nó, có người tự nghĩ ra những cách như không ăn gì trước khi lên xe hoặc chỉ uống nửa liều thuốc chống say xe. Chị Liên (Bạch Đằng, Hà Nội) là người rất hay đi lễ. Phiền nỗi, chị bị say xe nặng nên lần nào đi cũng nôn thốc, nôn tháo. Sau nhiều lần, chị nghĩ ra cách không ăn gì trước khi đi xe với lập luận “không ăn thì sẽ không có gì để nôn”. Tuy nhiên, ngay lần đầu tiên áp dụng, chẳng những không hết say xe mà còn vì không ăn gì nên người càng uể oải hơn.

Cũng bị say xe giống chị Liên, nhưng chị Thùy Linh (Trần Quang Khải, Hà Nội) lại chỉ uống nửa liều thuốc chống say xe. “Uống thuốc vào không nôn nhưng đi trên đường lại dễ buồn ngủ nên tôi chỉ uống nửa liều thôi”, chị giải thích. Được một vài lần đầu, chị cảm thấy tỉnh táo thật nhưng càng về sau cảm giác mệt mỏi càng tăng, và chị vẫn bị say xe như thường.

Bác sĩ Phan Bích Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng,Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng cả hai cách chống say trên đều không đúng. Bác sĩ cho rằng khi nhịn ăn, cơ thể mệt mỏi, thiếu chất càng dễ say xe hơn. Còn nếu uống thuốc không đủ liều thì sẽ gây ra nhờn thuốc, lâu dần, thuốc sẽ không còn tác dụng với cơ thể.

“Để đề phòng say xe, trước khi đi xe 1 - 2 giờ chỉ nên ăn nhẹ. Khi lên xe cần chọn nơi thoáng khí (gần cửa sổ), mắt không nhìn gần mà phóng tầm mắt nhìn ra xa về phía trước. Cần rèn luyện tâm lý để thần kinh ít bị mệt mỏi, tránh ý nghĩ lo lắng, sợ nôn”, bác sĩ Nga khuyên.

Chú ý an toàn thực phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề đáng lưu tâm khi đi xa vào mùa lễ hội. Thông thường, tại điểm du lịch sẽ có rất nhiều hàng, quán tự phát phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm này lại không được kiểm soát chặt chẽ.



An toàn thực phẩm là điều đáng quan tâm khi đi lệ hội. Ảnh: Lan Hương.


Bác sĩ Phan Thị Bích Nga cho biết, bệnh tiêu chảy là một bệnh rất phổ biến ở khách du lịch, theo thống kê có tới 20% - 50% du khách bị tiêu chảy ở mức độ nặng nhẹ khác nhau với các triệu chứng: đau bụng, đi ngoài, sốt, đau đầu. Tuy bệnh thường không nặng, không nguy hiểm nhưng trong nhiều trường hợp làm mất hứng thú hoặc làm hỏng kết quả chuyến đi.

Bên cạnh đó cũng xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn, nhất là khi dùng bữa ở những nhà hàng dọc đường. Vì vậy, khi đi đường chỉ nên dùng nước uống và giải khát đóng chai, đóng lon, hoặc mang nước đun sôi để nguội cho vào chai mang từ nhà đi; Trà, cà phê phải được pha với nước đã sôi kỹ; không nên dùng nước đá trên đường đi; không ăn thức ăn sống hoặc tái, cẩn thận với các món cá, trai, sò và nấm; không nên dùng những thức ăn bán rong trên đường vì không đảm bảo vệ sinh.

Những lưu ý khi đi du lịch

Tìm hiều xem vùng sắp đến có đang có dịch bệnh gì lưu hành không để cân nhắc xem có cần thiết đến nếu đang có dịch. Nếu đang điều trị một bệnh nào đấy, cần mang theo đơn thuốc mới nhất và đủ dùng. Trường hợp có đeo kính thì ngoài kính đang đeo, cần mang thêm một kính dự trữ. Có phiếu ghi tình trạng sức khỏe, bệnh tật đặc biệt, nhóm máu để biết được ngay khi cần đến. Theo dõi sức khỏe sau chuyến đi vì có trường hợp mắc một số bệnh không thể hiện ngay trong chuyến đi. Thường nhiều bệnh nhiễm khuẩn chỉ phát sau 6 tuần.

Theo BaoDatviet 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn