Phải làm sao khi công việc, tình cảm là số 0 tròn trĩnh

Thứ ba, 28/02/2012, 13:42
Cháu đang sống trong một ốc đảo cô đơn giữa cuộc đời. Cháu đã nhiều lần nghĩ đến cái chết, chết là giải thoát mọi thứ, nhưng có lẽ cháu không dám tự tử...


Thưa bác sĩ,

 

Cháu thực không biết bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào để có thể nói hết nỗi tuyệt vọng trong lòng cháu bây giờ? Cháu sẽ lần lượt kể về mọi thứ.

 

1. Công việc

 

Cháu tốt nghiệp ĐH năm 2008 với bằng khá và điểm số khá cao. Cháu cũng xin nói thêm rằng từ bậc tiểu học đến đại học cháu đều học tốt. Khi tốt nghiệp đại học, bản thân cháu và mọi người xung quanh đều tin tưởng rằng cháu sẽ dễ dàng có một công việc tốt.

 

Nhưng mọi thứ không bao giờ diễn ra theo cách mà mình nghĩ. Tốt nghiệp được một thời gian ngắn, cháu cũng đi xin việc ở một vài nơi nhưng không có phản hồi. Đúng lúc ấy một người quen xin cho cháu vào làm việc tại một công ty Nhà nước.

 

Cháu nhận lời và thực sự cháu cũng như người thân rất kỳ vọng vào chỗ làm ấy. Nhưng làm một thời gian thì cháu vỡ mộng bởi công việc vô cùng nhàn nhã, không phù hợp với chuyên môn cháu học và không có điều kiện phát triển. Cháu lại nộp hồ sơ đi các nơi để xin việc. Nhưng để xin được một công việc đúng chuyên môn sao mà khó khăn với cháu thế!

 

Từ lúc cháu bắt đầu nộp hồ sơ đến lúc tìm được một công việc mới là hơn một năm. Những tưởng có một công việc mới thì mọi thứ sẽ khác. Nhưng công việc ấy cũng không phù hợp với những gì cháu đã được học, lặp đi lặp lại và cháu thấy nhàm chán. Cháu cũng không học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng, thêm một vài mâu thuẫn với người quản lý, cháu quyết định nghỉ làm để xin chỗ mới và đi học thêm tiếng Anh.

 

Đã nhiều tháng trôi qua, cháu vẫn chưa xin được việc mới, việc học của cháu cũng trì trệ, cháu rất khó ghi nhớ và tập trung. Cháu cũng đã thử thi Công chức nhưng rồi cháu lại trượt. Cháu cũng nhờ mọi mối quan hệ để xem có thể xin được công việc gì đó không, nhưng không có kết quả.

 

Bạn bè xung quanh cháu đã dần ổn định hết, mỗi người đều có công việc và sự nghiệp riêng của mình. Gia đình cháu cũng vẫn kỳ vọng vào cháu. Cháu nhìn lại mình, hơn 3 năm ra trường, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng là con số 0 tròn trĩnh. Cháu đang rất hoang mang, bế tắc, và tuyệt vọng.

 
Khi bạn bè đã ổn định thì cháu vẫn là số 0 tròn trĩnh...(ảnh minh họa)
 

2. Tình cảm

 

Chuyện tình cảm lại là một khủng hoảng nữa của cháu. Khi vào làm ở  công  ty đầu tiên, cháu đã trở thành bạn gái của anh Phó phòng. Không phải vì tiền bạc, hay thăng tiến gì cả, mà thực sự đó là tình yêu.

 

Anh Phó phòng là người hoạt bát, giỏi giang, thành đạt, ân cần và đã có một gia đình hạnh phúc. Cháu mê đắm với cuộc tình ấy, dành tất cả tình cảm, tâm trí cho người ấy. Với cháu, người ấy là cả thế giới này, là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần ...

 

Anh đã động viên cháu nhiều mỗi khi cháu thất bại. Đã hai năm trôi qua với tình yêu đam mê và luôn phải giấu giếm, hai năm với những lần bên nhau đếm được trên đầu ngón tay, với nhớ nhung, dằn vặt, với bất an và bế tắc khi biết rõ rằng anh ấy không bao giờ có ý định đến với cháu.

 

Và cháu đang cảm nhận rằng tình cảm của anh ấy dành cho cháu đã phai nhạt đi nhiều lắm rồi. Cháu đã cố níu kéo dù đó là tình yêu vô vọng. Cháu sợ một ngày thế giới của cháu không còn người ấy nữa. Mỗi khi gặp người ấy, dù thời gian rất ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm cháu vui và hạnh phúc. Nhưng sau mỗi lần gặp gỡ trở về cháu chỉ thấy cô đơn, bế tắc và tuyệt vọng mà thôi.

 

3. Quan hệ xã hội

 

Cháu có rất ít bạn bè, chỉ có một vài người bạn thân, tuy nhiên cũng rất ít gặp nhau. Cháu là người khó làm quen, khó thích nghi với môi trường mới, ít giao tiếp. Cháu rất muốn cải thiện các mối quan hệ xã hội nhưng hình như cháu có vấn đề trong giao tiếp, cháu rất khó nói chuyện, kể cả với người thân quen.

 

Tóm lại cháu là một ốc đảo cô đơn giữa cuộc đời. Cháu đã nhiều lần nghĩ đến cái chết, chết là giải thoát mọi thứ, nhưng có lẽ cháu không dám tự tử. Chẳng lẽ cả đời cháu cứ bế tắc tuyệt vọng và cô đơn như thế này?

 

Cho cháu xin một lời an ủi từ bác sĩ để cháu tìm được chút niềm tin mà sống. Cháu thực sự rất cần được tư vấn. Cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

 
Đời còn rất đẹp nếu ta biết nhìn nhận nó...  


Bác sỹ tâm lý Lương Cần Liêm.

 

H.L thân,

 

Cháu nêu ra 3 vấn đề và tôi cũng coi đây như là 3 ba trục chính trong cuộc trao đổi của chúng ta: Công việc, tình cảm và quan hệ xã hội. Tôi có hai mức (hai tầng) góp ý với cháu như sau.

 

 Tầng thứ nhất là trong cuộc sống không nên phân biệt ba vấn đề này độc lập với nhau. Công việc nào cũng ít nhiều có phần lặp đi lặp lại, yêu cầu công việc dưới khả năng thật sự của mình. Thông thường thì công việc của một người làm công ăn lương mất khoảng 80 - 90% thời gian cho những phần việc hành chính, bàn giấy hay "kỹ thuật".

 

Phần còn lại là khoảng trống chờ ta có sáng kiến, sáng tạo, biết dùng tâm trí và khả năng chưa khai thác đúng mức để đổi mới, cải tiến và hiện đại hóa công việc đang làm. Do đó, nếu cháu nghĩ sẽ hài hòa và thỏa mãn 100% giữa công việc thực tế với những gì mình có là một quan điểm lãng mạn, nghệ sĩ.

 

Sở dĩ con người ta "chịu" cảnh lao động là để gặp người khác giống mình, chia sẻ tâm tư, nói những chuyện ngoài đời mà không (rất ít) nói đến công việc. Do đó, có bạn đồng nghiệp là có tình đồng nghiệp. Đây là một ví dụ quan hệ xã hội biết thế nào là "tình". Tình là một cảm xúc để nói ra mà thấy có hồi âm, có người hiểu mình như mình hiểu họ.

 

Tình yêu là một đối thoại chứ không phải một liều thuốc chống cô đơn, hoặc trông nơi bạn để tìm cách sống cho mình, có ý kiến giùm mình. Nói cách khác, yêu nhau là để đi tới tiến bộ chứ không phải là một duyên cớ để sống mà khi không có hết thì muốn chết cho xong.

 

Sống để yêu chứ không phải yêu để sống! Tình yêu không phải là để giải quyết những khó khăn không có bạn ở một hoàn cảnh/tình cảnh xã hội nào đó. Thương yêu không phải là thương hại!

 

Tầng thứ hai là tìm nguyên nhân tâm lý tổng hợp của ba vấn đề này. Tránh nghĩ rằng khổ và bị gò bó trong công việc thì sẽ sướng trong những lúc tự do với bạn theo luật đền bù chịu đựng.

 

Dĩ nhiên là có thật như vậy, nhưng tâm lý chung của những cảm xúc "đau đớn" trong công việc, trong tình cảm và trong quan hệ xã hội là tâm lý "SỢ". Tâm lý "sợ" có hai vế mà nói ra thì người ta thường nghĩ: Tôi không có lúc nào như vậy đâu!

 

 Vế thứ nhất là "sợ thành công" nên "thất bại thành công" hay "thành công cái thất bại của mình", thì ít nhất cũng là thành công. Tôi đặt lý tưởng quá cao vì tôi không đủ tự tin nên tôi lấy lý tưởng đó là một công trình mà không bao giờ hoàn thành vì… tôi không đủ tự tin để thấy thực tế.

 

Ví dụ tôi muốn người đẹp nhất trường yêu tôi mà người ấy không để ý đến tôi. Tôi nghĩ là tôi có đủ tài để người đẹp để ý nhưng thật sự, tôi tự tạo điều kiện thất bại vì tôi không chấp nhận tôi là người bình thường.

 

Vế thứ hai là sợ bị đánh giá sai hoặc theo chủ quan người khác mà mình không thể nào cải chính được. Cái sợ này đưa đến việc mất tự tin của vế trước. Nói cách khác, mình cho giá trị bên ngoài cao hơn giá trị đánh giá của mình.

 

Do đó luôn luôn sống với cái sợ là người ta chê mình, không thương mình mà từ đó nghĩ rằng mình không có giá trị nào hết, không hấp dẫn với người khác, không có gì đặc biệt để nói, để làm để người khác để ý đến mình. Cái sợ này thường xuất phát từ một cách giáo dục là cái gì cũng phải coi chừng, cũng đáng sợ phải đề phòng, không nên "ra mặt"…

 

Điều đầu tiên tôi khuyên cháu là hãy bớt sợ, liệt kê hết những tính tốt của mình ra giấy, không nên nhìn tính tốt của mình từ ống kính lý tưởng mà thấy sao mình nhiều thiếu sót quá… Tôi tin là cháu sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này vì đời rất đẹp khi ta biết nhìn thật nó.

 

 

Theo Hoa học trò

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn