Cô chấp nhận lấy một người đàn ông hơn mình khá nhiều tuổi. Có lẽ sự cám dỗ về vật chất là thứ đầy ma lực, nó khiến người ta ngã gục mà không có sự kháng cự nào.
Khi mới vào công ty, đi tới đâu, Như cũng nghe thấy những lời bàn tán về ông giám đốc mới. Có người bảo: “Sếp mới được lắm! Nói được, làm được, mà chơi cũng được. Vậy mà không hiểu tại sao lại chịu tới hai lần đổ vỡ trong hôn nhân. Chắc tại mấy bà sướng mà không biết đường sướng, dư thừa vật chất lại dễ sinh hư…”.
Nhưng cũng có người lại tỏ vẻ am tường gốc ngọn đưa “sếp” lên bàn cân mổ xẻ một cách đầy thuyết phục: “Chẳng có kết quả nào lại không được hình thành từ một quá trình được bắt nguồn từ nguyên nhân, không có cơn bão nào không bắt nguồn từ giông gió.
Người phụ nữ không dễ gì vứt bỏ hạnh phúc của mình nếu như không có một hoàn cảnh trớ trêu chi phối. Một người đàn ông làm kinh doanh cũng không ai muốn tận thu một cuộc hôn nhân không sinh lời mà lại chịu bù lỗ”.
Lời êm tai cô nghe đã đủ mà lời trái tai cũng không sót lời nào, nhưng nhìn từ góc độ khách quan thì sếp Việt Dũng không phải là một người có dung mạo khó coi. Tuy không đẹp trai nhưng cũng trên mức trung bình, có phong độ đường hoàng của một người làm lãnh đạo.
Giọng nói trầm khàn của Dũng có sức cuốn hút đáng kể với người đối diện, lúc nào cũng tươi cười, thân thiện với cấp dưới là điều không dễ gì một người làm lãnh đạo có được.
Có mật ngọt thì ruồi mới tranh nhau đậu, vừa nghe nói sếp hiện vẫn đang độc thân là danh sách mạng lưới các “nàng ruồi” được thiết lập. Họ tranh giành tình cảm của Dũng, giống như người ta chen lấn nhau vào mua hàng giảm giá vậy. Không biết từ lúc nào, cô đã bị cuốn theo vào dòng chảy ấy.
Chẳng phải là kế toán trưởng nhưng Như luôn được Dũng đem theo trong mỗi lần gặp đối tác. Có lẽ vì ngoài vẻ đẹp mộc mạc không son phấn, Như còn sở hữu một cái đầu thông minh, nhanh nhạy, đã vài lần giúp anh chuyển bại thành thắng. Vô hình chung Như kiêm luôn cả vị trí thư kí của Dũng.
Có một số việc, nếu dừng lại ở lúc bắt đầu thì sẽ tốt đẹp biết mấy. Khi nhận ra giá trị của Như thì anh đã không ngần ngại mà “thưởng đơn thưởng kép”, thưởng phần trăm hoa hồng, thưởng chiến sĩ thi đua, thưởng sáng kiến và thưởng cả vì duyên. Cô đã tự cho phép mình nhận tất cả những lời tán dương khen tặng và phần thưởng đầy ngẫu hứng của Dũng.
Cô bước vào những cuộc hẹn hò kín rồi hở, công khai và bán công khai khiến cho các đối thủ lườm nguýt đầy ganh tỵ. Họ cùng nhau hưởng thụ những bữa tối sang trọng và xa hoa. Có lần cô giật mình khi phát hiện ra anh không lấy tiền từ ví để thanh toán, mà móc sâu vào túi quần rồi lôi ra một tập tiền được gói cẩn thận trong chiếc khăn mùi xoa.
Chiếc khăn được mở ra nhưng bên trong nó lại là một lớp túi nilon được gói ghém kĩ lưỡng và những đồng tiền dù mới hay cũ cũng không có lấy một nếp gấp. Thấy lạ, Như hỏi: “Sao anh cất cẩn thận thế. Em mà được cẩn thận như anh thì bố mẹ em đã mừng. Ví anh không dùng để cất tiền à?”.
Dũng trả lời qua loa: “Cẩn thận cũng tốt. Anh ghét nhất những người luộm thuộm và không ngăn nắp. Ví không để cất tiền thì cất giấy vụn à”.
Như muốn chứng minh lời mình vừa khẳng định, Dũng rút ví trong túi quần ra và mở khóa. Quả nhiên bên trong toàn là tiền và đô la còn mới cứng. Cô lấp lửng: “Sao anh lại chọn em? Em không khéo thu vén gia đình, cũng không giỏi nội trợ lại là gái tỉnh lẻ, bố mẹ là nông dân…”.
Dũng khảng khái: “Gái tỉnh lẻ thì có gì thua kém. Không cần em phải giỏi tất cả mọi việc vì anh không thuê một quản gia, không cần một cái két sắt chuyên cất tiền, cũng không cần một ô sin chỉ biết làm việc nội trợ. Em cứ làm những việc mình yêu thích”.
Thế rồi, cũng đến lúc Như ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh khoác tay Dũng lên xe hoa về ngôi nhà có đầy đủ tiện nghi mà cô hằng mong ước.
Lấy được chồng giàu, Như cũng muốn khoe khoang với bạn bè đôi chút và để bố mẹ “nở mày, nở mặt” với hàng xóm, cô thủ thỉ bên tai chồng: “Em muốn đi hưởng tuần trăng mật ở Nhật Bản, muốn được leo núi Phú Sĩ, được đến tháp
Cô đang say sưa thì bị Dũng cắt ngang: “Em đừng có mơ mộng hão huyền, hai người trước muốn đi Nha Trang và Đà Lạt, anh còn không sắp xếp được thời gian nói gì đến Nhật Bản. Nếu thích thì em tự đi một mình đến nơi nào mà em muốn”.
Trong đêm tân hôn, ngay sau khi “hoàn thành nhiệm vụ”, Dũng đã lăn ra ngủ, bỏ mặc người vợ mới đang bẽ bàng trong tiếc nuối. Không giống như mộng ban đầu, Như bước vào cuộc sống hôn nhân không hề dễ chịu.
Xin tiếp tục đi làm thì anh lý sự: “Em đã làm sếp bà rồi thì đến công ty sẽ làm mọi người khó xưng hô. Vả lại, anh không muốn em phải bon chen vật lộn với đời. Em hãy chuyên tâm làm một người vợ bình thường như bao người phụ nữ khác”.
Đặc biệt hơn, mỗi món đồ cô mua sắm đều phải lấy hóa đơn về giao nộp chồng. Mỗi lần đi siêu thị về, anh đều chăm chú xem tỉ mỉ đến từng món nhỏ xem giá cả ra sao. Lúc đầu Như chỉ nghĩ đó là thói quen của người làm kinh doanh, nhưng một lần cô vô tình xem được trong máy tính của chồng có hẳn một tập tin chuyên để lưu giữ tất cả các khoản thu chi trong gia đình, từ những món đồ vụn vặt nhất.
Vài lần Như lén biếu bố mẹ đẻ của mình mấy triệu để ông bà làm lại cái sân và mua con bò lấy sức kéo. Cô nghĩ đơn giản chỉ là biếu bố mẹ “mấy đồng bạc lẻ” thì chắc chồng mình cũng không hẹp hòi gì.
Lần đầu, lần thứ hai Dũng cho qua nhưng đến lần thứ ba, thì anh thẳng thừng chất vấn: “Em tiêu vào việc gì mà tháng này lệch nhau tới 5 triệu”. Lúc đó, Như mới té ngửa người, thì ra mọi chi tiêu trong nhà Dũng đều quản hết.
Anh không muốn vợ đi làm không phải vì yêu thương mà che chở, trái lại chỉ vì sợ Như gặp gỡ nhiều người sẽ lại phát tác căn bệnh thích mua sắm.
Biếu bố mẹ vợ mấy đồng coi như trả công “sinh thành dưỡng dục” thì anh bĩu môi: “Nhà này không phải trại tế bần, mà đem thóc đi vãi khắp nơi cho gà rừng hưởng thụ. Em muốn biếu bố mẹ thì cố mà nhịn bớt ăn và mua sắm ấy”.
Đến bây giờ Như mới hiểu vì sao hai người phụ nữ kia lại bỏ anh ra đi. Có ai biết dưới mặt hồ phẳng lặng kia là biết bao nhiêu con sóng đang chờ để nổi lên và con sóng trong lòng Như cũng đang trỗi dậy cồn cào và dữ dội.
Theo Hạnh phúc gia đình