Đừng lấy lý do nựng bé gái bao biện cho hành vi dâm ô ở thang máy

Thứ năm, 04/04/2019, 10:39
TS Vũ Thu Hương cho rằng ông Nguyễn Hữu Linh nói mình chỉ “nựng” bé gái trong thang máy chung cư ở Sài Gòn là bao biện, chống chế. Đó là hành vi dâm ô trẻ em.

Khi nam bảo vệ rời đi, cửa thang máy khép lại, gã đàn ông ôm bé gái, hôn tới tấp. Một tay của người này có hành động như sờ soạng cô bé.

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, người có 20 năm dạy giới tính, phòng chống xâm hại cho trẻ, khẳng định, ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Viện phó Viện kiểm sát Nhân dân TP.Đà Nẵng - phải biết rõ hơn người khác đây là hành vi gì.

PV xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Thu Hương về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

"Nựng" trẻ em là hành động gì?

Khoảng 21h ngày 1/4, bé gái 7 tuổi bị ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) sàm sỡ, ôm, hôn trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM. Sự việc được camera an ninh ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bất bình. Giải thích hành vi của mình, ông Linh nói rằng chỉ "nựng" cháu bé.

Trước đó, cũng chính vì lý do “nựng” trẻ mà nhiều người lớn thường coi các bé như đồ chơi, có hành vi sờ mó, hôn hít và bắt trẻ chấp nhận. Ở góc độ nào đó, điều này cũng dẫn tới các vụ việc dâm ô, xâm hại tình dục trẻ.

Một lần đi ngoài đường, tôi thấy hai bà cháu dắt tay nhau. Một người đi qua, tụt quần và cấu bộ phận sinh dục cháu ngay giữa đường. Đứa trẻ phản kháng thì bị bà mắng và nói: “Bà yêu cháu thôi mà”.

Khi tôi đưa ra quy tắc vòng tròn để dạy trẻ ứng xử, nhiều người phản ứng vì nói đó là “đi ngược văn hóa Việt Nam”. Quy tắc này cụ thể là với người ruột thịt (bố, mẹ đẻ, anh chị em ruột), trẻ được quyền (hoặc cho phép) vòng tay ôm hôn, bế ẵm.

Vòng tròn tiếp theo dành cho người thân cận như bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè, bé được quyền nắm tay, cho phép vuốt tóc, vỗ vai.

Vòng tròn thứ ba là người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của cha mẹ, đã được gia đình sàng lọc), trẻ được quyền bắt tay.

Vòng tròn thứ tư của người lạ, bé chỉ cần vẫy tay chào, tạm biệt. Ngoài tất cả các vòng tròn này, với những "người đáng ngại", bé xua tay không tiếp xúc.

Phụ huynh cần hiểu rõ dâm ô là hành động người lớn tụt quần trẻ và cấu, sờ mó bộ phận sinh dục, chụp ảnh bộ phận này đưa lên mạng hay bàn tán về nó. Dâm ô là ôm ấp, hôn hít trẻ, rủ trẻ xem clip nóng, cho trẻ xem bộ phận sinh dục của mình.

Khi được dạy những điều này, nếu ai lao vào ôm hôn, trẻ sẽ biết để phản ứng, phòng tránh. Nếu trẻ không được dạy, các em sẽ im lặng vì không biết đó là hành vi gì và nhầm tưởng đó là yêu thương.

Có thể với định nghĩa “cưng nựng”, nhiều người còn lầm tưởng, bao biện nhưng với người đã giữ vị trí trong cơ quan pháp luật, quản lý Nhà nước, không thể lấy lý do này. Ông Linh phải biết rõ hơn người khác đây là hành vi gì. Phải chăng chính vì có quan hệ, từng có chức quyền nên ông Linh mới dám làm việc đó?

Trẻ phải làm gì khi đối diện kẻ dâm ô trong thang máy?

Rất nhiều người khuyên trẻ đạp vào vùng kín hay đánh vào mặt đối tượng. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện. Nếu là đứa trẻ 6 tuổi không tập võ, khả năng giơ chân cao của trẻ tối đa chỉ đến hông, lực yếu thì làm sao “đạp” được đối tượng.

Hơn nữa, sự phản kháng đôi khi còn gây kích thích cho kẻ xâm hại, có thể dẫn đến mức độ nặng nề hơn trong thang máy.

Ở trường hợp này, cha mẹ cần dạy con di chuyển nhanh ra bảng điều kiển thang máy, bấm liên tục các tầng gần nhất và chuông báo động. Ngay sau đó, trẻ ngồi thụp xuống, gập chân lại, chúi mặt vào đầu gối, vòng tay ôm quanh chân để tạo thành tư thế "quả núi”.

Tư thế này khiến kẻ dâm ô khó động chạm vào cơ thể nạn nhân. Khi thang máy được mở ra hoặc có người đến vì chuông báo động, trẻ được giải thoát.

TS Vũ Thu Hương dạy trẻ các thoát hiểm trước đối tượng xấu.

Những cô gái lớn hơn, đã trưởng thành, gặp kẻ biến thái trong thang máy cũng không nên phản kháng quá gay gắt, mà hãy trả lời sai các câu hỏi, thậm chí hùa theo khiến đối tượng mất tập trung.

Đồng thời, nạn nhân bấm nút gọi tầng, báo động như trên. Các cô gái cũng nên khoanh tay trước ngực và ngồi xuống theo “tư thế quả núi”.

Ngoài thang máy, ở các khu vực rộng hơn, trẻ có thể cắn vào tay, đạp thật mạnh vào “vùng kín” của kẻ xấu. Đó là khu vực có nhiều dây thần kinh, hành động đạp thật mạnh làm kẻ có ý định hại con đau đến choáng váng. Như vậy, việc thoát ra sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Kỹ năng phòng chống tự vệ cho trẻ không thể làm trong một ngày, một giờ mà phải thực hiện nhiều lần đến thuần thục tại gia đình và nhà trường.

Thực tế, phụ huynh cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết trẻ sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu, thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, trên tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái.

Ngoài ra, cha mẹ cần dạy con tuyệt đối không đi theo người lạ. Các con phải biết chạy tới chỗ chú công an, người lớn tuổi nếu bị kẻ lạ đi theo, nói chuyện với họ và nhờ đưa về nhà. Kẻ có ý định xấu sẽ nghĩ trẻ gặp người thân và bỏ đi. Ở nơi có người, nạn nhân có thể hét thật to khi bị người lạ động vào vùng kín.

Cần điều chỉnh luật

Trước đó, ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định xử phạt người đàn ông 47 tuổi (quê Hải Phòng) 200.000 đồng theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167 về hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Người này bị kết luận có hành vi sàm sỡ, "cưỡng hôn" chị Lan (20 tuổi) trong thang máy một toà chung cư cao cấp ở đường Lê Văn Lương, Hà Nội, ngày 4/3.

Không chỉ với trường hợp trên, nhiều quy định về mức độ xử lý hiện nay còn nhẹ, không đủ nghiêm minh, cần được sửa lại mới đủ sức răn đe.

Ngoài ra, Bộ luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em có các phần xử lý những kẻ xâm hại trẻ em, gồm độ tuổi khác nhau, dưới 16 tuổi, dưới 13 tuổi. Thế nhưng, xử lý dâm ô thường rất nhẹ, tối đa là phạt tù 2 năm; với xâm hại sẽ nặng hơn.

Một điều đáng lo ngại là định nghĩa "dâm ô" và "xâm hại" hiện chưa rõ ràng. Vậy nên, nhiều trường hợp kẻ dâm ô đã "lách luật" để thoát tội.

Ngoài ra, ngành giáo dục cần có những biện pháp thiết thực hơn nữa để phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường cho trẻ. Cách thiết thực nhất là về tận trường dạy cho từng học sinh, giáo viên. Đừng để sự việc đáng tiếc xảy ra Bộ GD&ĐT mới đưa công văn xử lý.

Theo Zing

Các tin cũ hơn