Nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề hôm 22/3 tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã âm thầm chấp nhận yêu cầu đặt mua hơn 60 tiêm kích F-16V của Đài Loan. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ chỉ đồng ý bán cho Đài Loan dòng tiêm kích hạng nhẹ F-16, thay vì các chiến đấu cơ hạng nặng F-15 hoặc tiêm kích tàng hình F-35, do hàng loạt yếu tố liên quan đến vấn đề bảo mật công nghệ quốc phòng.
Đài Bắc từng tỏ ý muốn sở hữu tiêm kích tàng hình F-35B, cho rằng khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của biến thể này sẽ giúp đối phó với đòn phủ đầu bằng tên lửa nhằm vào các sân bay trên hòn đảo. Tính năng tàng hình cho phép F-35B đối phó hiệu quả hơn với những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Bắc Kinh, thậm chí tung đòn đánh vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, báo cáo của Hội đồng An ninh Đài Loan (TNDC) cho rằng tiêm kích F-35B có giá bán quá đắt, chi phí vận hành và bảo dưỡng cao, trong khi tính năng chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện tác chiến thực tế. Mỹ cũng không muốn bán dòng tiêm kích tàng hình tối tân này cho Đài Loan, do lo ngại nguy cơ công nghệ nhạy cảm của dòng F-35 bị các điệp viên trên hòn đảo đánh cắp và trao cho Bắc Kinh.
Một khả năng khác là những tiêm kích tối tân Mỹ trong biên chế lực lượng vũ trang Đài Loan có thể rơi vào tay Trung Quốc nếu Bắc Kinh dùng vũ lực thu hồi hòn đảo. Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố không từ bỏ biện pháp dùng vũ lực thống nhất Đài Loan và yêu cầu quân đội chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực.
Một khi thu được những vũ khí như F-35, Trung Quốc sẽ có cơ hội nghiên cứu và sao chép thiết kế, cũng như chia sẻ thông tin với Nga để đối phó Mỹ và đồng minh trong các cuộc chiến tương lai. Trung Quốc cũng có thể tận dụng tổ hợp phòng không tầm xa S-400 để thu thập dữ liệu tác chiến của dòng F-35 nếu chúng được triển khai ở Đài Loan.
Tiêm kích F-16V đầu tiên được Mỹ nâng cấp cho Đài Loan. (Ảnh: Taiwan News.) |
Đây có thể là một trong những lý do khiến lực lượng vũ trang Đài Loan từ bỏ tham vọng sở hữu tiêm kích F-35B và hướng tới F-16V, biến thể tiêm kích F-16 hiện đại nhất thế giới.
So với F-35, dòng F-16 có tính năng chiến đấu thua kém hơn nhiều, cũng không phải mẫu tiêm kích mạnh nhất trong biên chế Mỹ. Trung Quốc đã tích cực nghiên cứu thiết kế và kinh nghiệm vận hành dòng F-16 trong biên chế không quân Pakistan, trước khi cho ra mắt tiêm kích J-10 và JF-17. Venezuela, nước sở hữu 24 chiếc F-16, có quan hệ gần gũi với cả Trung Quốc và Nga, từng tỏ ý sẵn sàng cung cấp công nghệ F-16 cho đối thủ của Washington.
Phiên bản F-16V được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), máy tính điều khiển thế hệ mới và nhiều cải tiến trong buồng lái giúp đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc. Phi công cũng được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay, tăng khả năng tác chiến của tên lửa tầm nhiệt AIM-9X.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng phiên bản F-16V không quá vượt trội so với những chiếc F-16C/D Block 52 của Pakistan. Điều này bảo đảm các công nghệ tối tân của Mỹ không rơi vào tay Trung Quốc, cũng như ngăn Bắc Kinh tìm ra cách khắc chế những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Washington.
Kể từ sau hợp đồng bán 150 máy bay F-16 được cựu Tổng thống George H.W. Bush thông qua hồi năm 1992, Mỹ không tiếp tục bán tiêm kích hiện đại cho Đài Loan nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng hủy hợp đồng bán 66 chiếc F-16C/D Block 50 cho Đài Bắc vào năm 2011 do áp lực từ Bắc Kinh.
Chiếc F-16V Đài Loan bay thử ở Mỹ hồi năm 2018. (Ảnh: Taiwan News.) |
"Việc bán tiêm kích F-16V và nâng cấp phi đội F-16A/B cho Đài Loan giúp hòn đảo này tăng cường khả năng phòng thủ, nhưng vẫn hạn chế nguy cơ căng thẳng với Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội nếu Washington chuyển giao F-35 cho Đài Bắc", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh đang chờ thống nhất, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết. Đây cũng là lý do chính khiến Mỹ thường rất cẩn trọng với các hợp đồng mua bán vũ khí hoặc trao đổi cấp cao với Đài Loan kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979 để ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc". Bắc Kinh thường xuyên cảnh báo Washington không tăng cường quan hệ quân sự với Đài Bắc, cũng như phản đối mọi hợp đồng quân sự giữa Mỹ và Đài Loan.
Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, cả chính quyền của ông và quốc hội Mỹ đều từ bỏ chính sách tránh gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, thay vào đó là việc liên tục thách thức Bắc Kinh và tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Đài Bắc.
Theo VNE