|
Người đợi qua đường ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Caixin.) |
Khoảng một năm trước, thành phố Túc Thiên, tỉnh miền đông Giang Tô, Trung Quốc công bố kế hoạch chấm điểm "độ tin cậy" của tất cả công dân trưởng thành. Ban đầu mỗi người đều có 1.000 điểm trong tài khoản. Hệ thống chấm điểm dựa theo cách tính thưởng - phạt. Nghĩa là những hành động tốt như tham gia các công việc tình nguyện, hiến máu, hiến tạng hoặc lao động gương mẫu sẽ được cộng điểm. Ngược lại, hệ thống sẽ trừ điểm nếu một người không có khả năng trả nợ, chậm thanh toán hóa đơn điện nước, vi phạm luật giao thông, hoặc bị kết án. Hệ thống sẽ công bố điểm theo tháng và xếp công dân vào 8 mức hạnh kiểm, từ AAA (công dân điển hình) đến D (công dân không đáng tin cậy).
Mỗi người dân thành phố Túc Thiên có thể tự tra cứu điểm số bằng cách nhập số chứng minh thư nhân dân của mình vào ứng dụng tích hợp trên WeChat, ứng dụng nhắn tin kiêm mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc. Điểm của mỗi người còn được đồ họa hóa trên thanh ngang hai màu, một đầu màu xanh và đầu kia màu đỏ. Điểm màu xanh có thể quy đổi ra các phần thưởng như coupon giảm giá đến 12 USD cho dịch vụ giao thông công cộng, nhập viện mà không cần đóng tiền ký quỹ, được ưu tiên khi mượn sách ở thư viện hoặc gửi xe với phí rẻ hơn.
Trung Quốc dự kiến đến năm 2020 sẽ chấm điểm người dân trên toàn quốc. Theo nhà nghiên cứu Rogier Creemers tại đại học Leiden, Bắc Kinh đã nung nấu kế hoạch này từ lâu. Mục đích là nhằm đối phó với sự bất mãn ngày càng tăng của người dân trước tình trạng gian lận ngày càng phổ biến trong xã hội: từ đạo văn, bằng giả cho đến các công trình xây dựng bị rút ruột hay việc buôn bán tràn lan các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng.
Trong bản kế hoạch công bố năm 2014, chính phủ Trung Quốc tuyên bố hệ thống chấm điểm sẽ tập trung hóa dữ liệu về cá nhân công dân và tổ chức doanh nghiệp. Cơ quan chức năng sẽ cấp cho mỗi công ty và tổ chức một số đăng ký riêng giống như số chứng minh thư của công dân. Các doanh nghiệp sẽ dùng con số này thay cho số đăng ký kinh doanh để đi nộp thuế và ký kết các hợp đồng thương mại.
|
Một người dân ở Tô Châu trình điểm số tín nhiệm công dân của mình để được mượn sách nhiều hơn và nhanh hơn. (Ảnh: Caixin). |
Hiện dữ liệu thu thập và tổng hợp trên phạm vi toàn quốc được sử dụng theo hai cách. Cách thứ nhất là để phát triển ngành dịch vụ tài chính tín dụng. Nghĩa là người dân có điểm tín dụng cao sẽ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ vay tiền và tài chính của các tổ chức tín dụng. Cách thứ hai là dữ liệu sẽ được dùng vào việc thắt chặt thực thi luật. Nghĩa là khi cảnh sát nắm bắt được thông tin công dân rõ ràng, họ có thể nâng cao năng lực phản ứng.
Kể từ năm 2013, cơ quan tư pháp của Trung Quốc đã thu thập thông tin của những người chống lệnh của tòa án, ví dụ như không trả nợ hoặc trốn nộp phạt theo phán quyết của tòa. Năm 2016, các cơ quan chức năng khác bắt đầu vào cuộc và phối hợp với bên tư pháp để "trừng phạt" những cá nhân trên.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm những người có tên trong "danh sách đen" đi máy bay, tàu tốc hành hoặc ở khách sạn hạng sang; ngoài ra, những người này cũng bị chặn con đường thăng tiến trong các doanh nghiệp nhà nước và họ không được phép kinh doanh trong các lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm. Hiện có hơn 12 triệu người có tên trong danh sách. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Chấm điểm Uy Tín Công cộng, cơ quan chức năng đã cấm những công dân này lên 17,5 triệu chuyến bay và 5,5 triệu chuyến tàu cao tốc tính đến cuối năm 2018.
Chính phủ cũng khuyến khích các bộ ngành lập "danh sách đen" riêng, liệt kê tên của những cá nhân và doanh nghiệp vi phạm luật liên quan đến lĩnh vực mình quản lý ví dụ an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng hoặc bảo vệ môi trường.
Trong năm 2015 và 2016, Bắc Kinh thử nghiệm hệ thống này ở 43 thành phố. Nhưng không phải thành phố nào cũng quyết tâm cao như Túc Thiên. Giới chức thành phố muốn cải thiện nếp sống của người dân trước khi hệ thống chấm điểm công dân được áp dụng trên cả nước với mục tiêu Túc Thiên sẽ được công nhận là "thành phố văn minh", danh hiệu mà mọi chính quyền địa phương đều khao khát đạt được.
Trên đường phố ở Túc Thiên, người ta dễ dàng bắt gặp các tấm biển quảng cáo ngoài trời cỡ lớn liệt kê các cách hành xử văn minh, ví dụ không mặc đồ ngủ xuất hiện ở nơi công cộng, không nhìn chằm chặp vào điện thoại của người khác hoặc không chuốc rượu bạn bè. Tại các ngã ba ngã tư, các bảng điện tử đăng hình ảnh và danh tính những người sang đường sai luật hay vượt đèn đỏ.
Tuy nhiên, hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về tự do cá nhân. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 10 năm ngoái từng gọi đây là "hệ thống tập trung vào việc kiểm soát hoàn toàn mọi mặt đời sống của con người". Những cơ quan kiểm soát việc chấm điểm có thể lạm dụng quyền lực và "trừ điểm oan" công dân. Ngoài ra, hệ thống này đòi hỏi xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn. Và việc đảm bảo an toàn dữ liệu cũng là một vấn đề "đau đầu" bởi những hệ thống dữ liệu tập trung luôn là "mồi ngon" của tin tặc.
Theo VNE