Mỹ sẽ tăng cường đầu tư vào châu Á trên 3 trụ cột

Thứ tư, 03/04/2019, 16:40
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được Mỹ công bố từ cuối năm 2017, nhưng từ đó đến nay hàm ý của nó dường như vẫn còn mơ hồ. Trong cuộc thảo luận sáng nay tại Hà Nội, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vừa làm rõ hơn nội hàm của chiến lược này.

Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas tại buổi thuyết trình.

Tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân (thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) tổ chức, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas giải thích kỹ lưỡng về 3 trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (gọi tắt là Ấn – Thái), gồm kinh tế, quản trị và an ninh.

Tăng đầu tư, hiện diện hải quân

Ông Douglas khẳng định Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong Asean, và Asean đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ.

Về an ninh, ông Douglas cho biết trong thời gian tới, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện hải quân ở khu vực này. Năm 2020, Mỹ dự kiến sẽ đưa 2/3 lực lượng hải quân ở các khu vực khác đến châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã hiện diện quân sự ở đây từ lâu, nhưng điểm khác của chiến lược này là Mỹ sẽ đầu tư ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực, phục vụ các hoạt động cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và gìn giữ hòa bình. Việt Nam và Phillippines là 2 quốc gia nhận được nhiều đầu tư này, ông Douglas cho biết.

Về kinh tế và quản trị, Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (ADB) ước tính khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cần 1,7 ngàn tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng mỗi năm. Ước tính còn khoảng 50.000 ngàn tỷ USD nhàn rỗi trong các định chế tài chính quốc tế tại Hong Kong, London, New York. Mục đích của Mỹ là huy động các doanh nghiệp tư nhân và các định chế tài chính đầu tư nhiều hơn vào khu vực Ấn- Thái này.

Ông Douglas nói rằng các công ty Mỹ đang đầu tư vào khu vực một cách minh bạch, rõ ràng, mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nhận đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm dựa trên mô hình kinh tế thị trường tự do. Năm 2017, Mỹ rót 960 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Năm 2018 tăng lên hơn 1 ngàn tỷ USD. Ông Douglas khẳng định đến nay chưa có quốc gia nào đầu tư vào khu vực này nhiều hơn Mỹ. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore nhận được phần đầu tư nhiều nhất.

FDI của Mỹ vào Việt Nam đang là khoảng 1,5 tỷ USD, Phillippines dưới 6 tỷ USD, Thái Lan 15 tỷ USD, còn Singapore hơn 260 tỷ USD. Mục tiêu của Mỹ là trong thời gian tới, Việt Nam ít nhất phải cao bằng Phillippines, và các nước khác cũng phải cao hơn để tất cả các quốc gia khu vực nhận được vốn FDI của Mỹ theo hướng tăng dần, ông Douglas nói.

Quan chức này cho biết 3 lĩnh vực và các doanh nghiệp Mỹ sẽ tập trung vốn đầu tư vào khu vực trong thời gian tới gồm: kinh tế số, năng lượng và hạ tầng.

Chính phủ Mỹ muốn tạo ra môi trường hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư Mỹ vào 3 lĩnh vực này. Ông Douglas dẫn ví dụ cách đây vài năm, USAID đã cử một số chuyên gia đến làm việc với chính phủ Việt Nam để giúp thay đổi một số điều khoản đầu tư. Kết quả là chỉ trong vòng 1 năm (2017-2018), chỉ số thuận lợi cho đầu tư của Việt Nam đã tăng thứ hạng từ 82 lên 68. Các công ty Mỹ nói họ rất muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng họ cần sự nhất quán về chính sách, môi trường đầu tư thuận lợi để khi đầu tư vào cũng thuận lợi như khi rút tiền ra.

Minh bạch và tiêu chuẩn cao

Trụ cột còn lại của chiến lược Ấn – Thái là quản trị. Ông Douglas nói rằng cần đảm bản tính mở, minh bạch và hiệu quả để có thể phát triển hạ tầng chất lượng cao, để không phải lo lắng cầu xây xong có thể bị sập, bệnh viện xây xong không thể hoạt động tốt...

Quan chức Mỹ nói rằng nhiều quốc gia trong khu vực đang đề nghị Mỹ giúp đỡ khâu thẩm định hợp đồng phát triển hạ tầng. Ông dẫn ví dụ một quốc gia gần đây nhờ Mỹ thẩm định hợp đồng vay 7 tỷ USD từ một nước khác để phát triển hạ tầng. Các chuyên gia Mỹ được cử sang giúp đã xác định hợp đồng đó chỉ đáng giá 1 tỷ USD. Ông Douglas nói rằng các chính phủ khu vực có thể đề nghị Mỹ hỗ trợ qua các kênh chính thức hoặc không chính thức. Đại sứ Mỹ phụ trách khu vực đã tiếp nhận một số đề nghị như vậy.

Ông Douglas cho biết chính phủ Mỹ đang chờ Quốc hội thông qua các khoản chi cho chiến lược Ấn – Thái, để bảo đảm tiền được chuyển đến các quốc gia khu vực một cách phù hợp.

Quan chức này cho biết một câu hỏi hay được nêu ra là Trung Quốc có vai trò như thế nào đối với chiến lược mới của Mỹ. Ông nói rằng từ “chiến lược” hay được hiểu theo khía cạnh chính trị và quân sự, nên ông cho rằng sử dụng từ “tầm nhìn” là phù hợp hơn và bao quát hơn. Ông cho biết, trong một hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Jakarta, các lãnh đạo Asean đưa ra một số đề xuất rất gần với Nhật Bản và Úc, cho thấy có một sự đồng thuận rất lớn ở khu vực này về hợp tác với Mỹ.

Ông Douglas nói rằng đầu tư của Trung Quốc vào khu vực rất đáng kể, nhưng quan trọng không phải đầu tư bao nhiêu mà là đầu tư như thế nào. Nếu đầu tư không minh bạch và mở thì sẽ không tốt cho các chính phủ tiếp nhận đầu tư.

Ông nói rằng Mỹ khuyến khích đầu tư từ của EU, Úc, Nhật, và cả Trung Quốc vào khu vực, nhưng cần dựa trên nguyên tắc minh bạch, để đảm bảo tiền đầu tư được chi tiêu hiệu quả. “Tôi nghĩ đây là mục tiêu của chiến lược Ấn – Thái. Chúng tôi muốn xây dựng một khu vực dựa trên luật lệ và tiêu chuẩn cao”, ông Douglas nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn