Lý do chính phủ lẫn các nhà mạng Mỹ đều "sợ" Huawei

Thứ tư, 03/04/2019, 14:49
Theo The Washington Post, giới chức an ninh quốc gia Mỹ đang lên kế hoạch cho tương lai khi mà Huawei Technologies của Trung Quốc nắm phần lớn thị phần của thị trường viễn thông tiên tiến toàn cầu.

Giới chức Mỹ được cho là “lo xa” khi từ giờ đã tìm cách ngăn chặn hoạt động gián điệp tấn công mạng gây rối tiềm năng được kích hoạt bởi nhiều mạng lưới kết nối với nhau. Sue Gordon, phó giám đốc cộng đồng tình báo Mỹ, cho hay: “Chúng ta phải tìm ra cách trong một thế giới 5G để có thể quản lý được rủi ro giữa mạng lưới đa dạng gồm nhiều công nghệ mà chúng ta không thể tin tưởng. Chúng ta phải suy nghĩ và mường tượng trước một mạng lưới bẩn”.

Mỹ lo gì từ Huawei?

Mỹ đến nay chưa từ bỏ chiến dịch “thuyết phục” nhiều nước cấm Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G. 5G là công nghệ được cho là sẽ cung ứng, hỗ trợ cho mọi thứ, từ xe tự hành cho đến hoạt động quân sự. Dù vậy, nước này cũng nhận thức được rằng nhiều nước đã dùng thiết bị giá rẻ của Huawei, và có thể tiếp tục dựa vào chúng khi nâng cấp lên thế hệ mạng di động kế tiếp, vốn nhanh hơn gấp 100 lần so với nền tảng 4G hiện tại.

Vì lo hàng Huawei phổ biến, Washington hiện bắt đầu thảo luận về cách sử dụng công nghệ mã hóa, các thành phần mạng phân mảnh và quy chuẩn mạnh hơn để bảo vệ hệ thống chính. Các nhà cung ứng dịch vụ viễn thông lớn của Mỹ thì khởi động kế hoạch mạng 5G của họ từ vài năm trước để tự vệ hệ thống nội địa khỏi bị kẻ thù và tội phạm tấn công mạng.

Khi bị yêu cầu đưa ra chứng cứ cho quan ngại về Huawei, giới chức Mỹ lập luận rằng luật Trung Quốc yêu cầu nhiều doanh nghiệp như Huawei phải hợp tác với cơ quan tình báo nước nhà, và rằng chính luật pháp Trung Quốc có thể biến Huawei thành hãng không đáng tin.

Nhận định mới nhất của ông Gordon bóc trần áp lực mà giới chức Mỹ đang đối mặt trong bối cảnh họ cố thuyết phục đồng minh rằng lợi ích an ninh quốc gia dài hạn nên được ưu tiên hơn lợi ích kinh tế ngắn hạn. Mặt khác, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thì khẳng định doanh nghiệp của ông không chia sẻ thông tin với Trung Quốc, và không có kế hoạch như trên: “30 năm qua hãng chưa từng làm vậy, và 30 năm tới cũng không bao giờ làm thế”, ông Nhậm thẳng thắn.

Anh, Đức và châu Âu

Giới chức an ninh Đức cũng kêu gọi các bộ trưởng nước nhà chặn Huawei khỏi mạng lưới 5G quốc gia. Song tại Đức cũng như nhiều nước châu Âu khác, lời kêu gọi chống Huawei đang thất thế trước độ rẻ của sản phẩm Trung Quốc. Huawei giảm giá đặc biệt cho nhiều doanh nghiệp hiện chịu gánh nặng kinh tế. “Tôi không hiểu sao các nhà cung ứng dịch vụ Đức quá ngây thơ về Huawei. Nếu các cơ quan Trung Quốc muốn truy cập vào mạng lưới, Huawei sẽ phải cho họ đường đi và đó là vấn đề”, một quan chức an ninh Đức nói.

Hiện Huawei kiểm soát thị trường 4G tại châu Phi, tại phần lớn Trung Đông, Nam Âu và một phần Đông Nam Á. Chuyên gia chính sách an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế James Lewis nhận định: “Huawei có tham vọng thống trị thị trường 5G. Không có cách nào chặn họ khỏi tất cả mọi nơi”. Vì lẽ này, điều mà các nhà khai thác mạng viễn thông lớn của Mỹ sợ đó là: Huawei đủ mạnh để loại một số đối thủ châu Âu khi chiếm lĩnh thị trường, và Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dùng hàng Huawei.

Bốn nhà mạng lớn ở Mỹ là AT&T, Verizon Wireless, Sprint và T-Mobile cam kết với chính phủ Mỹ rằng họ sẽ cấm Huawei và một cái tên Đại lục khác là ZTE khỏi mạng 5G. Dù vậy, bốn hãng viễn thông vẫn phải kết nối với các mạng nước ngoài và nếu mạng nước ngoài dùng thiết bị Huawei, lưu lượng truy cập của dân Mỹ sẽ đi qua các hộp mà Huawei kiểm soát.

Viễn cảnh này thúc đẩy nhiều quan chức, chẳng hạn như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, phải nói với đồng minh rằng việc họ sử dụng Huawei có thể khiến Mỹ khó lòng hợp tác với họ. Đại sứ Mỹ ở Đức, ông Richard Grenell, chia sẻ trong lá thư hồi tháng 3 rằng Mỹ sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Đức nếu Berlin cho phép Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G. Phía Đức luôn cho rằng tin tình báo của Mỹ rất quan trọng. Một quan chức an ninh Đức ví tin tình báo Mỹ như “vấn đề sống chết” với quốc gia châu Âu.

Đến Anh, Huawei đã bị cấm khỏi tất cả mạng lưới quan trọng và mạng lưới của chính phủ. Sự hiện diện của hãng trong hệ thống 4G thương mại chỉ giới hạn ở 1/3 thành phần tách biệt với lõi mạng. 2/3 thị phần mảng này thuộc về Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Nỗi lo lớn hơn Huawei

Không phải là không có mối lo lớn hơn khả năng bị gián điệp. Một số quan chức Mỹ nhận định chuyện hệ thống quan trọng bị gián đoạn trong cuộc khủng hoảng mới là việc đáng lưu tâm. Vì lẽ này, các nhà khai thác như AT&T và Verizon đã thiết kế nhiều tính năng, chẳng hạn như cổng thông tin mà qua đó lưu lượng truy cập quốc tế không đáng tin cậy được kiểm tra để lọc phần mềm độc hại hoặc các hình thức tấn công khác.
Giới chuyên gia cho rằng các dịch vụ 5G sẽ xuất hiện trong vài năm tới, và việc xây dựng đầy đủ chúng sẽ mất từ 10 đến 20 năm. Các nước cần nhiều thời gian để cài đặt ăng-ten mạng ở nhiều góc phố, để sản xuất đội xe tự hành và triển khai cảm biến có thể phục vụ thành phố, nhà máy thông minh. Thực tế này giúp chính phủ Mỹ có thêm thời gian để thực hiện chiến lược cải tiến công nghệ, để thêm nhiều cái tên bước vào mảng phần cứng và phần mềm, để cạnh tranh với Huawei.
Nhà phân tích Thomas Donahue, người từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định: "Chúng ta chỉ có thể thành công trong vấn đề này nếu chính phủ và ngành công nghiệp hợp tác cùng nhau. Để làm được, chúng ta cần sự lãnh đạo của chính phủ từ trên xuống. Chúng ta có thể học từ Trung Quốc chỗ này".

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích