Philippines điều tra cáo buộc Huawei làm gián điệp cho Trung Quốc

Thứ năm, 02/05/2019, 10:03
Cảnh sát Philippines sẽ mở cuộc điều tra sau khi truyền thông bày tỏ lo ngại về các rủi ro khi sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei.

Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines Oscar Albayalde. (Ảnh: AP).

Tướng Oscar Albayalde, tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), hôm 29/4 tuyên bố sẽ trực tiếp chỉ đạo PNP xem xét các nghi vấn liên quan đến hoạt động của Huawei, sau khi truyền thông nước này đặt câu hỏi về việc PNP lựa chọn tập đoàn công nghệ Trung Quốc này làm nhà bảo trợ cho hội nghị chống tội phạm mạng diễn ra tháng trước.

Tuyên bố cũng được đưa ra vài giờ trước khi trang Rappler công bố bản ghi nhớ bị rò rỉ từ Bộ Ngoại giao nước này (DFA), trong đó nhấn mạnh những rủi ro khi hợp tác với Huawei. Trong bản ghi nhớ ngày 25/1, DFA lưu ý Pháp và Czech đã hạn chế sử dụng sản phẩm của Huawei "do lo ngại vấn đề bảo mật"

Robert Strayer, phó trợ lý bộ trưởng về chính sách thông tin, truyền thông quốc tế và công nghệ thông tin Mỹ, hôm 29/4 cũng cảnh báo Washington sẽ cân nhắc lại việc hợp tác với các đồng minh có quan hệ làm ăn với Huawei.

Trong chuyến thăm Manila tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo việc sử dụng công nghệ của Huawei, cho rằng nó "mang tới rủi ro với người dân Philippines, tạo nguy cơ an ninh cho nước này".

Alvin Lim, nhà tư vấn chính sách của Wikistrat có trụ sở tại Singapore, cho rằng cuộc điều tra của PNP có thể thúc đẩy Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiến hành đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong bối cảnh ông đang đối mặt với áp lực trong nước ngày càng tăng về động thái của Bắc Kinh tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

"Nếu cuộc điều tra của PNP cho thấy những cảnh báo an ninh về Huawei là đúng, phản ứng của Duterte có thể gây bất lợi cho Trung Quốc", ông nói. "Liệu đây có phải là rắc rối tạm thời hay không còn phụ thuộc vào việc các mối lo ngại an ninh với Huawei có thật hay không. Vodafone vừa xác nhận về sự hiện diện của các mã backdoor (cửa hậu) trong công nghệ của Huawei, điều cho thấy vấn đề có thể nghiêm trọng như những gì chính phủ Mỹ đã cảnh báo".

Vodafone, công ty điện thoại lớn nhất châu Âu, hôm 30/4 cho biết họ đã xác định được các lỗ hổng bảo mật trong phần mềm Huawei sử dụng ở Italy 10 năm trước.

Bất chấp Mỹ gây áp lực để ngừng sử dụng thiết bị của Huawei, Philippines, nước có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, đã tăng cường hợp tác với tập đoàn Trung Quốc này dưới thời Tổng thống Duterte, người luôn cố gắng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh từ khi lên nhậm chức năm 2016.

Tháng 11 năm ngoái, Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một hợp đồng trị giá 400 triệu USD cài đặt hệ thống video giám sát khổng lồ sử dụng thiết bị Huawei có tên "An toàn cho Philippines" tại Manila và Davao.

Smart và Globe Telecome, hai nhà mạng lớn ở Philippines, phủ nhận lo ngại về Huawei và cam kết sử dụng thiết bị của công ty này khi triển khai mạng 5G. Patricio N Abinales, chuyên gia Philippines tại đại học Hawaii ở Manoa, nhận định Huawei vẫn rất phổ biến ở quốc gia này bởi giá cả cạnh tranh.

"Với người dân bình thường, họ sẽ lựa chọn mặt hàng dễ tiếp cận nhất và giá cả phải chăng nhất", ông nói. "Và điều mà Huawei đang làm là chứng minh cho khách hàng thấy họ có thể cung cấp cùng loại dịch vụ mà hai nhà mạng lớn nhất có thể cung cấp".

Maria Ela L Atienza, giáo sư khoa học chính trị ở đại học Philippines Diliman, cho rằng cuộc điều tra độc lập về các các buộc với Huawei là phù hợp.

"Tôi không cho là chỉ vì Philippines đã xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc thông qua Tổng thống mà bỏ qua những lo ngại về Huawei hay bất kỳ sản phẩm hoặc hoạt động nào của Trung Quốc", Atienza nói. "Sẽ là cẩu thả nếu PNP và những cơ quan chính phủ khác không thực hiện công việc của mình, đặc biệt nếu đó là những báo cáo gây lo ngại do những quốc gia khác đưa ra, đặc biệt là từ các đồng minh truyền thống như Mỹ".

Huawei chưa đưa ra phản hồi trước thông tin bị PNP điều tra.

Theo VNE

Các tin cũ hơn