Phó đoàn ĐBQH Bình Định: "Khoan tường tháp cổ là hủy hoại di sản"

Thứ sáu, 10/05/2019, 09:42
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cho rằng việc khoan vào tường tháp Bánh Ít để gắn khung thép quảng bá du lịch là hành vi hủy hoại di sản.

Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch) vừa gửi văn bản yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao Bình Định khẩn trương kiểm tra, xử lý việc lắp đặt biển quảng bá du lịch tại các di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia tháp Đôi và tháp Bánh Ít.

Cục yêu cầu ngành Văn hóa Bình Định đề xuất phương án bảo vệ di tích, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 10/5 với UBND tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch.

Hủy hoại di sản

Trao đổi với Zing.vn, bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho hay việc khoan vào tường tháp nghìn năm tuổi để gắn khung thép quảng bá du lịch là hành vi hủy hoại di sản.

"Tháp Đôi và tháp Bánh Ít là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhưng lại đi khoan gắn bảng quảng bá du lịch là quá tùy tiện. Bản thân tôi là người Bình Định bất bình trước việc làm vi phạm Luật Di sản như thế này", bà Hạnh nói.

Tháp cổ bị khoan để gắn khung thép lên.

Trước cách lý giải của Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho rằng những vết thủng lớn trên tường tháp Chăm nghìn tuổi là do trúng đạn pháo từ thời chiến tranh, bà Hạnh cho rằng "điều đó khó thể xảy ra". Nếu vết thủng trên tường tháp cổ là do trúng đạn thì Giám đốc Bảo tàng Bình Định cần chứng minh bằng văn bản. Hàng năm duy tu, bảo tồn, tại sao những lỗ thủng này không được trám lại mà đổ lỗi cho vết đạn pháo chiến tranh.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội Bình Định cho rằng việc dơi bay về sống trong lòng tháp Bánh Ít (tháp cổ tụ linh khí) là điều tốt nhưng Giám đốc Bảo tàng Bình Định than vãn "chưa có cách nào xử lý" thì xem lại khâu quản lý di tích.

"Du khách trong nước, quốc tế đến tham quan tháp Bánh Ít ngày càng nhiều thì đội ngũ quản lý di tích cần chăm sóc, quét dọn thường xuyên cho sạch sẽ chứ không thể nói xử lý phân dơi không được", bà Hạnh nhấn mạnh.

Bảo tồn tháp Chăm còn bất cập

Hàng chục năm nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh cho rằng việc bảo vệ và tu bổ các đền tháp Chăm cổ ở Việt Nam còn nhiều bất cập.

Vị chuyên gia cho rằng vẻ đẹp đặc trưng, giá trị nhất của các tháp Chăm cổ là các khối kiến trúc xây bằng gạch huyền bí. Nếu làm hỏng hoặc mất đi những khối gạch thì giá trị quý hiếm của những tháp Chăm sẽ không còn.

Trong khu vực Đông Nam Á, những tháp Chăm là những di tích kiến trúc gạch có lịch sử lâu dài, liên tục nhất. Những công trình này được xây bằng một “công nghệ” đặc biệt đến nay vẫn còn bí ẩn.

Sau gần hai trăm năm phát hiện, nghiên cứu, các nhà khoa học đã công bố nhiều công trình khảo cứu về các di sản lịch sử văn hóa Chăm Pa. So với con số hàng trăm di tích đã phát hiện thì tháp Chăm còn quá ít.

Hiện ở miền Trung - Tây Nguyên còn vỏn vẹn 21 di tích đền tháp Chăm đều được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó nhiều nhất là Bình Định (7 cụm đền tháp) và Quảng Nam (5 đền tháp, trong đó có Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn).

Những mảng đá được buộc lưng chừng tháp Dương Long.

Thực tế quá trình bảo tồn, tu bổ các đền tháp cổ còn nhiều phức tạp, nan giải. Ông Doanh dẫn chứng, những năm qua, Việt Nam áp dụng phương pháp làm mái che để bảo vệ di tích khảo cổ kiến trúc như tháp Mỹ Sơn D1, D2 và F1, Mỹ Khánh...

Về cơ bản, những mái che này bảo vệ khỏi sự xâm hại của con người, thiên tai. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều ở miền Trung, việc làm mái che nắng, mưa đã làm cho các di tích có nguy cơ hư hại với tốc độ nhanh, nghiêm trọng hơn.

Phương pháp trùng tu bằng vật liệu hiện đại không chỉ làm khác sắc thái của di tích mà còn xâm hại như làm mốc, mủn, bạc màu các khối nguyên gốc xung quanh di tích. Còn phương pháp truyền thống thì những viên gạch mài chập, dán lại với nhau và dễ cắt gọt nên chất lượng các viên gạch làm ra thường non nên độ bền vững không cao.

Ông Doanh cho rằng cách tốt nhất để bảo tồn tháp Chăm nghìn năm tuổi là bảo tồn nguyên trạng các di tích gốc. Trong trường hợp cần thiết phải gia cố hay chống đỡ cho tháp khỏi bị xâm hại hay bị đổ vỡ thì nên sử dụng các vật liệu, chất liệu và phương pháp cho phù hợp với thực trạng của từng di tích.

Theo Zing

Các tin cũ hơn