|
Sẽ lặp lại kịch bản ở Argentina khi lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau bằng một bữa tối?( Ảnh: Reuters ) |
Ông Trump cũng nói vài lần rằng ông sẵn sàng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị ở Osaka vào cuối tháng này, nhưng phía Trung Quốc chưa xác nhận có cuộc gặp này.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ nói ông sẽ quyết định về việc áp thuế đối với ít nhất là 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau cuộc gặp của lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đến hôm thứ Hai vừa qua, ông Trump nói ông đã sẵn sàng tiếp tục áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc nếu không có tiến triển trong cuộc hội đàm về thương mại với ông Tập ở Osaka.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng một lần nữa không thể xác nhận có một cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại hội nghị G20, nói rằng Bộ Ngoại giao sẽ công bố khi có thông tin.
“Nếu Mỹ cứ muốn leo thang đụng độ thương mại, chúng tôi sẽ đáp trả và sẽ chiến đấu tới cùng”, ông Cảnh nói hôm qua.
Theo Reuters, các nhà đầu tư đang lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa bằng việc đưa các công ty Mỹ vào danh sách đen hoặc cấm xuất khẩu đất hiếm qua Mỹ. Đất hiếm là nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng như chip thẻ nhớ, pin sạc và điện thoại di động.
“Quốc tế hóa” tranh chấp thương mại
Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc không xác nhận sẽ có cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc nhưng có nguồn tin nói việc này nhiều khả năng sẽ diễn ra. SCMP dẫn lời một nguồn tin được thông báo về việc dàn xếp cuộc gặp nói rằng đây sẽ là một cuộc gặp ăn tối “mặt đối mặt” theo không khí thân mật. “Đó hầu như là sự lặp lại những gì đã diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Argentina tháng 11 năm ngoái”, nguồn tin nói.
Trước cuộc gặp có thể diễn ra tại Nhật giữa hai nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã “đồng ca” kêu gọi các nước cùng nỗ lực chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Khiêm đã kêu gọi các nước Đông Nam Á ủng hộ “trật tự thương mại” trong một bài báo đăng trên nhật báo Bisnis Indonesia hồi đầu tuần.
“Mỹ lạm dụng biện pháp thuế quan, sử dụng chiến thuật gây sức ép tối đa, không nhất quán với các nguyên tắc cạnh tranh của thị trường và các giá trị đạo đức kinh doanh cơ bản”, ông Tiêu viết. “Việc này không những gây tổn hại lợi ích của các công ty Trung Quốc, Mỹ và người tiêu dùng của đôi bên, mà còn gây nguy hiểm đối với an ninh của nền công nghiệp toàn cầu, giá trị và chuỗi cung ứng, hủy hoại nghiêm trọng trật tự thương mại quốc tế, gia tăng bất ổn trong khu vực và đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, bao gồm cả Indonesia”.
Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ tiếp theo là đợt áp thuế mới hồi tháng 5, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch chỉ trích Mỹ mạnh mẽ thông qua đại sứ của họ tại các nước G20, gồm cả hai đồng minh của Mỹ là Anh và Pháp, nhằm tránh bị cô lập tại hội nghị sẽ diễn ra ở Osaka trong hai ngày 28 và 29/6.
Phái viên Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh viết trên tờ Evening Standard hồi tháng 5 rằng Mỹ là “kẻ gây rối” thực sự đối với nền kinh tế thế giới.
Indonesia là một trong số các nước tham gia bàn thảo về tương lai của thương mại toàn cầu ở Osaka lần này. Hôm đầu tuần, Tổng thống Trump nói với đài CNBC rằng ông tin Trung Quốc sẽ thông qua một thỏa thuận với Mỹ lần này “bởi vì họ sẽ buộc phải làm thế”.
Theo Tiền Phong