Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi giới chức Hồng Kông nên tiếp thu ý kiến lo ngại của người dân về dự luật cho phép chính quyền đặc khu này đưa các nghi phạm đến Trung Quốc đại lục để xét xử.
Người biểu tình tràn ngập đường phố Hồng Kông ngày 9.6
"Cuộc biểu tình ôn hòa ngày 9.6 rõ ràng cho thấy người dân phản đối dự luật. Chúng tôi đồng thời lo ngại dự luật có thể gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đẩy công dân Mỹ sống hoặc du lịch ở Hồng Kông vào hệ thống tòa án thất thường của Trung Quốc”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết trong buổi họp báo ngày 10.6, theo AFP.
Bà Ortagus kêu gọi chính quyền Hồng Kông tham vấn với những bên có liên quan ở địa phương và quốc tế.
“Sự xói mòn của khuôn khổ một quốc gia, hai chế độ tiếp diễn sẽ đe dọa vị thế đặc biệt lâu nay của Hồng Kông trong các vấn đề quốc tế”, bà Ortagus lưu ý.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc biểu tình lớn nhất tại Hồng Kông trong 15 năm qua. Cảnh sát ước tính có 240.000 người tham gia biểu tình trên khắp các tuyến đường chính ở Hồng Kông vào ngày 9.6.
Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn lời những người tổ chức khẳng định có hơn 1 triệu người xuống đường và đây là cuộc biểu tình trong một ngày lớn nhất tại đặc khu này kể từ năm 2003. Khi đó, 500.000 người xuống đường phản đối chính quyền lên kế hoạch thắt chặt luật an ninh, theo Reuters.
Đông đảo tầng lớp người dân Hồng Kông từ doanh nhân, luật sư cho đến sinh viên đều xuống đường, hô hào khẩu hiệu và cầm biểu ngữ yêu cầu chính quyền đặc khu hủy bỏ dự luật dẫn độ.
Các quan chức Hồng Kông quyết không hủy bỏ dự luật bất chấp làn sóng biểu tình rầm rộ
Theo dự luật dẫn độ, các lãnh đạo Hồng Kông có quyền ra lệnh đưa nghi phạm bị truy nã đến đại lục, Macau, Đài Loan cũng như những nước có ký kết hiệp ước về dẫn độ. Tuy nhiên, dự luật bị chỉ trích là làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông và khiến người dân có nguy cơ đối diện các cáo buộc không rõ ràng cùng khả năng bị xét xử không công bằng ở đại lục.
Tuy nhiên, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức khác khẳng định dự thảo là cần thiết, nhất quyết không hủy bỏ theo yêu cầu của người biểu tình.
Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sẽ có phiên họp lần thứ hai về dự luật vào ngày 12.6. Phiên họp hồi tháng 5 diễn ra trong hỗn loạn do vụ ẩu đả giữa các nghị viên đối lập và phe ủng hộ chính quyền trung ương. Dự luật này dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 7 tới, theo AFP.