|
Tàu CBS 8020 của Cảnh sát biển Việt Nam sau khi tiếp nhận từ Tuần duyên Mỹ. (Ảnh: CBSVN). |
"Bên cạnh việc cung cấp tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam, Tuần duyên Mỹ còn hỗ trợ đào tạo nhằm giúp Việt Nam duy trì hoạt động của tàu CSB 8020", bà Linda Fagan, Phó đô đốc, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Mỹ (USCG) nói trong cuộc họp qua điện thoại sáng nay khi trả lời câu hỏi của VnExpress về hợp tác song phương sắp tới. "Đó là cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Tuần duyên Mỹ với Việt Nam".
Bà Fagan nhắc tới việc USCG năm 2017 bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ.
Trước khi bàn giao USCGC Morgenthau, Mỹ đã huấn luyện cho các sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam tại Hawaii để sử dụng con tàu. Tàu USCGC Morgenthau sau đó được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam và đổi tên thành CSB 8020.
Phó đô đốc Fagan cho hay Mỹ tiếp tục đề cao quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam, khẳng định việc duy trì trao đổi sẽ đem lại lợi ích cho cả hai. Nhắc đến khả năng Mỹ chuyển giao thêm một tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam, bà cho hay hai bên đang có trao đổi rất tích cực, nhưng bà "chưa biết kết quả cuối cùng".
Truyền thông Mỹ cho biết USCG đã loại biên tàu tuần tra xa bờ USCGC Sherman (WHEC-720) thuộc lớp Hamilton hồi cuối tháng 3/2018 và dự kiến chuyển giao con tàu này cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, hôm 13/2 cũng cho rằng Việt Nam đã trở thành đối tác chủ chốt của Mỹ trong việc xây dựng nền an ninh và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. "Hoạt động hợp tác đang tập trung vào tăng cường năng lực trên biển của Việt Nam, gồm chuyển giao thêm một tàu tuần tra của Tuần duyên Mỹ", ông viết trong thông cáo gửi thượng viện Mỹ.
Về vai trò của Mỹ ở Biển Đông, Phó đô đốc Fagan khẳng định việc Mỹ điều tàu chiến tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế trong khu vực là nhằm thực hiện quan điểm duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do và hệ thống dựa trên luật lệ, bảo đảm hòa bình và an ninh. Ngoài ra, Mỹ quan tâm đến hợp tác với các đối tác ở khu vực về xây dựng năng lực, muốn trao đổi với các nước đang gặp vấn đề với việc thực thi pháp luật ở Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hỗ trợ họ về phương pháp ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ chủ quyền.
Theo VNE