Nhân viên Intel, Qualcomm bị cấm tiếp xúc với đồng nghiệp Huawei
Thứ hai, 10/06/2019, 14:14
Trong diễn biến mới nhất về lệnh cấm của Mỹ với Huawei, nhân viên tại nhiều công ty công nghệ lớn đã bị cấm tiếp xúc với đồng nghiệp ở công ty Trung Quốc.
Nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên không tiếp xúc với đồng nghiệp tại Huawei trong các hội thảo về tiêu chuẩn viễn thông. Ảnh: Reuters.
Intel, Qualcomm, hãng nghiên cứu di động InterDigital Wireless và nhà mạng Hàn Quốc LG Uplus vừa cấm nhân viên tiếp xúc "không chính thức" với Huawei.
Theo Reuters, những công ty này sẽ giới hạn nhân viên trao đổi với đồng nghiệp tại Huawei khi tham dự hội thảo quốc tế. Đây là dịp để các công ty họp bàn và đề ra tiêu chuẩn cho những công nghệ viễn thông như 5G.
Khi Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách cấm giao dịch công nghệ, cơ quan này không yêu cầu các công ty phải cắt đứt hoàn toàn liên lạc với Huawei. Dù vậy, những công ty Mỹ vẫn yêu cầu nhân viên phải hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp tại công ty Trung Quốc để đảm bảo không có rắc rối nào trong tương lai.
Intel, Qualcomm và InterDigital cho biết họ đã đưa ra những quy định mới cho nhân viên để đảm bảo tuân thủ luật pháp của Mỹ. Trong khi đó, LG Uplus cho biết công ty này "tự nguyện giảm tương tác với các nhân viên của Huawei, trừ các cuộc họp về vấn đề lắp đặt linh kiện mạng hoặc bảo trì".
Việc những kỹ sư viễn thông bị hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp ở Huawei có thể ảnh hưởng tới tiến độ triển khai mạng 5G. Một số kỹ sư chia sẻ với Reuters rằng sự hợp tác giữa kỹ sư của các công ty là rất quan trọng để cùng thúc đẩy tiêu chuẩn 5G.
Tại những hội nghị về tiêu chuẩn viễn thông, các kỹ sư và chuyên gia thường có những cuộc gặp bên lề, theo nhóm nhỏ để thuyết phục các đối tác nhằm đạt được tiêu chuẩn nhất định.
Nguồn tin của Reuters cho biết các công ty muốn hạn chế nhân viên của mình tham gia vào các cuộc họp bên lề này. Trong những cuộc gặp mặt như vậy, họ thường chia sẻ thoải mái hơn về các tiêu chuẩn công nghệ.
Tại các hội thảo về tiêu chuẩn viễn thông, kỹ sư thường gặp mặt bên lề để chia sẻ về các công nghệ.
Tại hội nghị gần nhất do 3GPP tổ chức tại California, Chủ tịch hội nghị Balazs Bertenyi nói rằng các cuộc họp kiểu này sẽ buộc phải ghi lại biên bản.
"Lệnh cấm như vậy có thể khiến mọi người bị dồn vào chân tường, bởi chúng tôi thực sự cần hợp tác với nhau để đạt mục tiêu 5G. Đây đúng ra là một thị trường quốc tế", đại diện của một công ty châu Âu chia sẻ.
"Tôi nhận thấy có nhiều sự hiểu nhầm từ khách hàng và đồng nghiệp về việc Bộ Thương mại thực sự cấm điều gì", ông Doug Jacobson, một luật sư chuyên về xuất khẩu tại Washington, Mỹ nói.
Theo ông Jacobson, việc các công ty cấm nhân viên tiếp xúc với đồng nghiệp tại Huawei là vượt quá giới hạn, bởi "lệnh cấm không cấm tiếp xúc mà chỉ cấm chuyển giao công nghệ".
Vào cuối tháng 5, tổ chức cấp tiêu chuẩn về điện tử và viễn thông IEEE tuyên bố hạn chế để các kỹ sư và nhà khoa học của Huawei tham gia đánh giá các báo cáo khoa học của họ. Chỉ vài ngày sau, IEEE đã phải rút lại quyết định này.
"Huawei không phải là một công ty nhỏ. Họ có thể coi là công ty đi đầu về công nghệ 5G. Loại bỏ họ sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn, có thể làm gián đoạn cả dự án triển khai 5G", ông Jorge Contreras, giáo sư luật tại đại học Utah và thành viên của IEEE cho biết.
"Nếu họ muốn tạo ra một mạng 5G không có sự tham gia của Trung Quốc, tôi không nghĩ điều đó có thể thành hiện thực. Mà kể cả khi thành hiện thực, liệu công nghệ có đủ tốt không", ông Contreras chia sẻ.