Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (phải, hàng thứ 2, bên trái) dẫn đầu vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố hôm 7/6. Ảnh: TTXVN. |
Hãng thông tấn AFP đưa tin Việt Nam, Estonia, Nigeria, Tunisia và quốc đảo Saint Vincent và Grenadines được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong phiên bỏ phiếu hôm 7/6. Hãng thông tấn Pháp cho biết Việt Nam nhận được số phiếu bầu cao nhất trong 5 quốc gia với 192/193 thành viên ủng hộ. Đây được coi là số phiếu ủng hộ cao kỷ lục trong một cuộc bỏ phiếu bầu ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Các thành viên mới sẽ nhận nhiệm vụ từ ngày 1/1/2020, thay cho 5 thành viên cũ là Guinea Xích Đạo, Bờ biển Ngà, Kuwait, Ba Lan và Peru, trong bối cảnh cơ quan quyền lực hàng đầu của Liên Hợp Quốc đang chật vật để thống nhất cách giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu.
"Các nước thường lên kế hoạch trong nhiều năm để tranh cử ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Vị trí này có thể nâng cao vị thế của một quốc gia trong các vấn đề quốc tế và thành viên đó sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề an ninh và hòa bình cấp bách nhất thế giới", hãng AP của Mỹ viết, sau khi liệt kê số phiếu bầu các nước đạt được trong cuộc bỏ phiếu. Nigeria và Tunisia nhận được 191 phiếu bầu, Saint Vincent và Grenadines giành 185 phiếu, còn Estonia giành 132 phiếu sau cuộc bỏ phiếu vòng hai cạnh tranh với Romania.
Tờ Mainichi của Nhật đưa tin với tiêu đề "Việt Nam được bầu làm thành viên mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", trong đó dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói với các phóng viên sau cuộc bầu cử tại hội trường Đại hội đồng.
"Khi Việt Nam trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, chúng tôi hy vọng rằng chúng ta có thể mang đến cho hội đồng kinh nghiệm của một đất nước đã tái thiết và giải quyết nhiều vấn đề khác sau chiến tranh", tờ báo Nhật trích phát biểu của Thứ trưởng Lê Hoài Trung.
Theo báo này, trước cuộc bỏ phiếu, Việt Nam đã ghi dấu ấn lớn khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết biến đổi khí hậu và thúc đẩy nhân quyền.
Manichi nêu Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc năm 1977 và từng đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhiệm kỳ của Việt Nam tại hội đồng trùng với thời gian Hà Nội đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN, cũng bắt đầu vào năm 2020. Việt Nam đã đóng góp 73 sĩ quan tham gia hai sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, chủ yếu tại Nam Sudan.
Tờ China Daily của Trung Quốc cũng đưa tin về sự kiện, nêu rõ Việt Nam là đại diện duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia tranh cử và được ủng hộ với số phiếu rất cao sau cuộc bỏ phiếu kín. Trong số 5 thành viên mới được bầu, chỉ có Estonia và Saint Vincent và Grenadines chưa từng đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an.
Với 15 thành viên, trong đó có 10 thành viên không thường trực, HĐBA là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu làm thành viên của cơ quan này, sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008 - 2009.
Với mong muốn trở thành "Đối tác vì hòa bình bền vững", trong nhiệm kỳ hai năm sắp tới, Việt Nam sẽ có cơ hội đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến nhằm đóng góp và xây dựng vào những nỗ lực chung của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển.