Chiều 9/6, lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng lên tiếng phản đối cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về những chỉ đạo trước thời điểm Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7.
Động thái này được đưa ra sau 3 ngày Tổng Liên đoàn có văn bản xin ý kiến Bộ Giáo dục - Đào tạo về nhiều vấn đề. Trong đó đề cập một số nội dung về trường Tôn Đức Thắng để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học.
Tổng Liên đoàn đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo xác định, việc bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường có hay không thực hiện theo các quy định của Đảng và Tổng Liên đoàn Lao động? Khái niệm "quyền đại diện của chủ sở hữu" nên được hiểu thế nào? Cơ quan chủ quản thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua hội đồng trường bằng cách nào khi số lượng tham gia hội đồng trường chiếm tỷ lệ thấp, còn theo quy định Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định đa số.
Tổng Liên đoàn cũng nêu thắc mắc khái niệm "cơ quan quản lý có thẩm quyền" đối với trường hợp Đại học Tôn Đức Thắng là cơ quan nào, hay chính là Tổng Liên đoàn? Trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường, có định danh rõ cơ quan quản lý là Tổng Liên đoàn được không?
Đại học Tôn Đức Thắng có trụ sở ở quận 7, TP.HCM. |
Theo lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng, các nội dung mà Tổng Liên đoàn chỉ đạo đa số không còn phù hợp với quy định hiện hành khi căn cứ theo Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Điều lệ đại học năm 2014 (chỉ còn giá trị đến ngày 30/6). "Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo trường chuẩn bị nội dung mới để thực hiện theo luật mới. Chỉ đạo của Tổng Liên đoàn không sai nhưng không phù hợp với chỉ đạo của Bộ", lãnh đạo trường cho biết.
Về công tác tổ chức, Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, quan điểm của Tổng Liên đoàn đã nhầm lẫn khi yêu cầu trường phải theo các quy định của Tổng Liên đoàn về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp... Bởi theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Hiệu trưởng đại học do Hội đồng trường bầu, cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ ra quyết định công nhận.
Các thành viên Hội đồng trường, Ban giám hiệu không phải là cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp theo Luật Công đoàn và Điều lệ công đoàn. Do đó việc bầu hoặc bổ nhiệm không thể áp dụng các quy định của Tổng Liên đoàn.
"Với các thành viên do tập thể giảng viên, viên chức, người lao động bầu thì cơ quan quản lý càng không thể chỉ định, cử, hoặc quy hoạch. Làm như vậy, quyền lợi của tập thể trường bị xâm phạm", đại diện trường nêu quan điểm.
Lãnh đạo đại học này cũng viện dẫn Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng để chỉ ra rằng, Hội đồng trường mới là cơ quan quyền lực cao nhất của đại học, bao gồm đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan (đại diện cộng đồng xã hội, địa phương, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, sinh viên, phụ huynh, giảng viên, viên chức, lãnh đạo nhà trường...).
Với đơn vị sự nghiệp công lập, trường đại học đã tự chủ hoàn toàn, chi thường xuyên như Đại học Tôn Đức Thắng sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và được thuê hiệu trưởng.
Lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng không thể định nghĩa cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý có thẩm quyền. Theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), tên gọi cơ quan chủ quản không còn nữa. "Nếu hiểu cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý có thẩm quyền thì luật cứ duy trì tên gọi cũ, việc gì phải dùng từ cơ quan quản lý có thẩm quyền?", lãnh đạo trường nêu quan điểm. "Dụng ý của luật mới là tách bạch quyền sở hữu và quyền quản lý. Cơ quan chủ quản chỉ còn quyền sở hữu, quyền quản lý thuộc về Hội đồng trường và chính quyền địa phương".
Một phòng thí nghiệm của Đại học Tôn Đức Thắng |
Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên đại học này đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương, phản đối Tổng Liên đoàn buộc trường phải nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Họ cho rằng cơ quan chủ quản đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường và trái với các quy định hiện hành, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định.
Trong khi đó, ông Phan Văn Anh (Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động) nói, đơn vị không buộc Đại học Tôn Đức Thắng phải trích nộp 30% chênh lệch thu chi. Đến nay, Tổng Liên đoàn chưa thu một đồng từ trường.
Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập tháng 9/1997. Trường ban đầu do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động. Năm 2015, Đại học Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận khi quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu. Tháng 9/2017, trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu độc lập công bố, đại học này đứng thứ 2, xếp trên hàng loạt đại học tên tuổi, có điểm chuẩn đầu vào rất cao như Bách khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Y Hà Nội , Ngoại thương. |
Theo VNE