|
Tiêm kích F-35A Mỹ bay biểu diễn hồi tháng 5. (Ảnh: USAF). |
Chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ chào bán siêu tiêm kích F-35A và các hệ thống phòng không tương đương cho Ấn Độ nếu nước này hủy hợp đồng mua tên lửa phòng không tầm xa S-400 Nga. Đây được coi là "củ cà rốt" Washington đưa ra với New Delhi, bên cạnh "cây gậy" là những biện pháp cấm vận nếu Ấn Độ quyết tâm theo đuổi thương vụ mua tên lửa Nga.
Một số quan chức và lãnh đạo các tập đoàn quốc phòng Mỹ đã tới thăm Ấn Độ mà không cho biết mục đích chuyến đi. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định hai nước chưa có đề xuất và thảo luận chính thức về vấn đề này.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang muốn mua thêm 110 chiến đấu cơ cho không quân, trong khi hải quân nước này cũng đang đưa ra các yêu cầu kỹ thuật để mua sắm thêm 57 máy bay chiến đấu. Dù Mỹ và Ấn Độ chưa thảo luận về việc mua sắm F-35, mẫu tiêm kích tàng hình này được cho là khí tài duy nhất mà Ấn Độ có thể sở hữu để qua mặt hệ thống phòng không S-400 trong biên chế nước láng giềng Trung Quốc.
Ấn Độ năm 2018 kỳ hợp đồng mua tên lửa S-400 trị giá 5,4 tỷ USD của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhất trí bán 4 tàu chiến Đề án 11356 cho Ấn Độ với mức giá 2,2 tỷ USD.
Các tuyên bố gần đây của Washington cho thấy nước này vẫn sẽ trừng phạt New Delhi theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), dù một số nguồn tin từng cho rằng Ấn Độ có thể được miễn trừ khi theo đuổi hợp đồng S-400.
Chính phủ Mỹ luôn thể hiện quan điểm không cho phép chiến đấu cơ hiện đại nhất của mình vận hành cùng hệ thống phòng không S-400, cho rằng Nga có thể tận dụng cơ hội để nghiên cứu dòng F-35 và tìm ra phương án khắc chế.
Mỹ từng đề xuất bán hệ thống phòng không tầm trung NASAMS II để bảo vệ thủ đô New Delhi khỏi tên lửa đạn đạo, cũng như chào bán Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tên lửa Patriot PAC-3 cho Ấn Độ, dù các vũ khí này có giá cao hơn nhiều so với S-400.
|
Hệ thống NASAMS II khai hỏa trong một đợt diễn tập năm 2018. (Ảnh: DefPost). |
Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua tên lửa S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Giới chức Ấn Độ khẳng định việc mua S-400 là đòi hỏi cấp bách về an ninh quốc gia, đồng thời đảm bảo các hệ thống này sẽ không gây nguy hiểm cho những vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington.
Theo VNE