|
Trưởng đặc khu Carrie Lam trong cuộc họp báo ngày 10/6. (Ảnh: AFP). |
"Đây là dự luật cực kỳ quan trọng giúp duy trì công lý và bảo đảm Hong Kong thực thi các nghĩa vụ quốc tế trong vấn đề tội phạm xuyên quốc gia", trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam hôm nay phát biểu về dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi.
Dự luật này đang là tâm điểm gây tranh cãi ở Hong Kong và châm ngòi cho cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 9/6 cũng như cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát rạng sáng 10/6. Người biểu tình lo ngại rằng dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác.
Trưởng đặc khu Lam khẳng định dự luật vẫn sẽ được đưa ra tranh luận trước cơ quan lập pháp Hong Kong vào ngày 12/6 theo kế hoạch, bác bỏ yêu cầu trì hoãn hoặc rút hoàn toàn dự luật do người biểu tình đưa ra. Nếu dự luật được thông qua, cư dân Hong Kong, công dân Trung Quốc cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục.
Bà Lam khẳng định đám đông biểu tình là bằng chứng cho thấy quyền tự do ngôn luận vẫn được bảo đảm ở Hong Kong, đồng thời cho rằng các lãnh đạo đặc khu đã nhượng bộ rất nhiều để dự luật không liên quan tới những vụ án chính trị. "Chúng tôi đã lắng nghe và lắng nghe rất chăm chú", bà Lam nói thêm.
Tuy nhiên, nhiều người biểu tình chỉ trích lãnh đạo Hong Kong đã phớt lờ sự phản đối của công luận. "Hơn một triệu người đã tuần hành và chính quyền vẫn không để ý tới người dân. Họ đang dần biến thành chính quyền độc tài", nhà lập pháp Ip Kin-yuen phát biểu.
Nhà phân tích chính trị Dixon Sing cảnh báo bà Lam có thể rơi vào tình huống "tự sát chính trị" nếu tiếp tục đối đầu với những người biểu tình. "Sẽ ngày càng ít người tin tưởng bà ấy và chính quyền Hong Kong", Sing nói thêm.
Người Hong Kong hôm 9/6 biểu tình để phản đối dự luật, vốn cho phép đưa tội phạm tới Trung Quốc đại lục, Đài Loan hoặc Macau để xét xử. Một nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn một triệu người đã tham gia tuần hành, trong khi cảnh sát nói rằng con số này là 240.000 người. Đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi đặc khu Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Theo VNE