|
Cảnh tượng hỗn loạn đã bùng nổ ở Hong Kong vào đầu ngày 12/6 khi hàng nghìn người biểu tình đứng chật các con đường xung quanh trụ sở chính quyền để phản đối dự luật dẫn độ. Trong ảnh là những người biểu tình cố gắng di chuyển hàng rào kim loại trong cuộc biểu tình sáng 12/6. (Ảnh: Reuters).
|
Trước đó, hơn một triệu người xuống đường hôm 9/6 để phản đối dự luật cho phép Hong Kong dẫn độ nghi phạm đến các quốc gia và vùng lãnh thổ không có thỏa thuận tương trợ tư pháp với Hong Kong, bao gồm Trung Quốc đại lục. Hàng nghìn người biểu tình, chủ yếu là người trẻ, đã tập trung tại công viên sau lời kêu gọi trên mạng. (Ảnh: Reuters)
|
Hàng nghìn người biểu tình tập trung xung quanh Lung Wo, tuyến đường huyết mạch đông tây gần văn phòng của người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Một số người phẫn nộ de dọa giết bà nếu dự luật dẫn độ không được hủy bỏ trong vòng 24 giờ, theo South China Morning Post. Trong khi đó, hàng trăm cảnh sát chống bạo động cảnh báo người biểu tình ngừng tiến lên.
|
Một số người biểu tình đã dựng rào chắn để chặn giao thông ở trung tâm tài chính châu Á bất chấp cảnh sát kêu gọi rút lui. Những hình ảnh này gợi nhớ đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển Hong Kong vào cuối năm 2014. Bà Lâm cho biết sẽ thúc đẩy dự luật gây tranh cãi.
|
Đây là biểu tình chính trị lớn nhất kể từ khi Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997. Những người phản đối từ khắp Hong Kong đã tập trung từ đêm hôm trước. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp kêu gọi bãi công toàn thành phố để phản đối dự luật dẫn độ.
|
Dự luật đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ trong và ngoài đặc khu hành chính của Trung Quốc. Bà Lâm đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của công chúng nhưng vẫn tỏ rõ ý định sẽ nỗ lực để dự luật được thông qua.
|
Trong một động thái hiếm hoi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo rằng việc thông qua luật dẫn độ có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào Hong Kong và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của thành phố. Cuộc biểu tình rầm rộ cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về khả năng quản trị hiệu quả của bà Lâm.
|
HSBC, Standard Chartered, các công ty kế toán "Big Four", đều đồng ý linh động lịch làm việc cho nhân viên đi biểu tình vào ngày 12/6.
|
Các doanh nhân, sinh viên, tài xế xe buýt, công chức, giáo viên và các nhóm khác đồng loạt tuyên bố sẽ phản đối trong nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn dự luật. (Ảnh: AP).
|
Giáo hội Thiên Chúa giáo Hong Kong kêu gọi chính quyền không thông qua dự luật một cách vội vàng, đồng thời kêu gọi tất cả các tín đồ cầu nguyện cho vùng thuộc địa cũ của Anh. (Ảnh: AP).
|
Một phụ nữ biểu tình cầm hoa ngồi trước cảnh sát mặc đồ chống bạo động đứng ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong sáng 12/6. Các nhà lập pháp sẽ tiếp tục tranh luận về dự luật dẫn độ. (Ảnh: AP).
|
Cảnh sát chống bạo động đứng đối diện những người biểu tình cầm ô để che chắn bên ngoài Hội đồng Lập pháp Hong Kong. (Ảnh: AP).
Theo Zing